Đã 10 năm kể từ ngày iPhone ra mắt, thị trường smartphone trải qua nhiều biến động thăng trầm, tình trạng bão hòa hiện tại là kết thúc hay là khởi đầu cho một cuộc cạnh tranh khốc liệt mới?

Cuộc chiến smartphone: kẻ thắng, người thua và những bài học đắt giá

Ngành công nghiệp smartphone đã đạt tới điểm bão hòa và đang có xu hướng ổn định. Trong một thập kỷ vừa qua, công nghệ truyền thông đã vươn đến đỉnh cao mới với những tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và gần 3000 vụ kiện tụng vì bản quyền công nghệ. Kỷ nguyên smartphone chứng kiến những gã khổng lồ như Microsoft, Nokia hay Intel phải vật lộn để giữ được thương hiệu của riêng mình trong khi những tay chơi non trẻ như Huawei và Lenovo thu về không ngớt những thành công. Thế giới song cực với iOS và Android đã chứng kiến hàng tỉ USD trao qua bán lại trong những thương vụ pháp lý về bằng sở hữu trí tuệ và dàn xếp tranh chấp.

Là người tiên phong, Nokia đã thống trị thị trường thiết bị di động từ trước khi kỷ nguyên smartphone bắt đầu, nhưng sự nhập cuộc của iPhone Apple và series Galaxy của Samsung đã khiến Nokia lao dốc nhanh chóng từ năm 2007. Điện thoại với hệ điều hành Window của Microsoft tham gia cuộc chơi vào năm 2009 và chỉ chiếm được một phân khúc thị trường rất nhỏ. Apple và Samsung bắt đầu một loạt những tranh chấp pháp lý về bằng sáng chế tại thị trường Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc. Những tranh chấp này chủ yếu xoay quanh kết nối không dây, giao diện và thiết kế công nghệ. Tuy nhiên, vào năm 2014, Samsung đã thất bại trước Apple và cả hai bên quyết định dàn xếp qua hòa giải.

Apple và Samsung tồn tại kiên cường tại thị trường tiêu dùng trong khi các hãng tương tự như Nokia và BlackBerry ngã ngựa ngay từ khi đầu tư vào sở hữu trí tuệ. Google đưa mình gia nhập dòng sản phẩm cao cấp với hệ điều hành Android. Sau đó, một cơn bão mới của những chiếc điện thoại, vẫn “thông minh” mà giá lại dễ chịu ập tới từ các nhà sản xuất di động của châu Á, chủ yếu là Trung Quốc. Họ đã đăng kí sở hữu trí tuệ trong các thị trường ngách của ngành công nghệ, để cạnh tranh với bề dày công nghệ truyền thống của các ông lớn ngành viễn thông. Những hãng smartphone hàng đầu của Trung Quốc, như Huawei và ZTE sở hữu kho bằng sáng chế lên tới 15.000 trong khi các ông lớn như Lenovo, Oppo và Xiaomi, mỗi công ty chỉ sở hữu hơn 5.000.

Vậy rút cuộc, ai là người thắng trong cuộc chiến smartphone này? Không ai cả.

Cuộc chiến về sở hữu trí tuệ và sự cạnh tranh của thị trường là động lực chính thúc đẩy ngành công nghiệp smartphone. Ngành công nghiệp này đã phát triển cực thịnh, đang trong giai đoạn bão hòa và có dấu hiệu đi xuống. Nó đã dọn đường cho một thế hệ công nghệ tiếp theo như wearable tech (công nghệ mặc được), thực tế ảo (VR), in 3D và Internet kết nối vạn vật (IoT) với 6 đặc trưng quan trọng.

Quyền sở hữu trí tuệ mạnh sẽ có giá trị lâu dài hơn sản phẩm

Cuộc chiến smartphone trên toàn cầu đã buộc những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp này phải bước chân vào những vụ kiện tụng về sở hữu trí tuệ. Người thắng cuộc bước ra ngạo nghễ với hàng tỉ USD trong tay và kẻ thất bại bị tụt dốc thảm hại. Điều thú vị là dù thất bại, vẫn có những thương hiệu tồn tại được như Nokia và BlackBerry. Sự đầu tư đúng lúc của họ vào việc phát triển và xây dựng bằng sở hữu trí tuệ đã đem lại kết quả khi họ không thể phát minh thêm sản phẩm mới trong một thị trường phát triển như vũ bão khi đó.

Tới năm 2007, Nokia vẫn là thương hiệu thống trị với 50% thị phần. Hệ điều hành Symbian của hãng này không có đối thủ dù kho ứng dụng còn rất hạn chế. Apple ra mắt iPhone vào năm 2007 với một thiết kế thông minh và cả một hệ sinh thái ứng dụng, thu hút nườm nượp khách hàng. Nó gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ Google và chấm dứt những ngày tháng hoàng kim của BlackBerry và Nokia. Nokia bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phát triển không gian cho sản phẩm. Tuy nhiên, nó vẫn trong cuộc chơi nhờ có trong tay những bằng sáng chế giá trị. Bước vào những cuộc tranh chấp về sáng chế và bản quyền với hầu hết các ông lớn, nó vẫn chiến thắng và thu được số tiền lớn để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Hình 1: Các lĩnh vực với số lượng bằng sáng chế tương ứng.

Hình 2: Số cuộc tranh chấp pháp lý giữa các ông lớn trong ngành smartphone.

Các sản phẩm công nghệ cao và nguồn mở có thể cùng tồn tại

Tái đầu tư vào đổi mới chưa chắc đã đảm bảo được thành công cho sản phẩm nhưng cái giá của một một kho bằng sáng chế mạnh đã quá rõ. Nokia xác định được gót chân Achilles của Apple chính là ở công nghệ pin và kết nối không dây nên và đã tiến hành vài vụ kiện với hãng này. Apple cố gắng đáp trả bằng cách lấy quyền sở hữu đối với các sáng chế về màn hình cảm ứng. Dù vậy nhưng cũng không ăn thua gì với kho sáng chế phong phú của Nokia về viễn thông. Năm 2011, Nokia tuyên bố Apple sẽ tham gia vào việc gia tăng số bằng sáng chế của hãng này. Chiến lược thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ đầy chiến lược của Nokia đã tạo ra một làn sóng mới, với các công ty chọn cách đăng ký sáng chế hoặc đồng sở hữu bằng sáng chế thay vì kiện tụng và tranh chấp. Điều này giúp các vụ kiện tụng như vậy giảm đáng kể từ sau năm 2012.

Giống như Nokia, BlackBerry cũng không thể phát triển sản phẩm mới với tốc độ như của Apple, HTC, Samsung, LG Electronics và Motorola. Tuy nhiên, hãng này có hơn 8000 bằng sở hữu trí tuệ và gần 100,000 tuyên bố sở hữu đối với các bằng sáng chế và nhãn hiệu thương mại tại Mỹ. Kho sở hữu trí tuệ của BlackBerry có giá trị vào khoảng 2 đến 3 tỉ USD và có tiềm năng lên tới 5 tỉ USD nếu bị thâu tóm.

Hợp tác là cách phát triển lành mạnh

Năm 2009, những vụ kiện tụng tốn kém trong ngành smartphone lan rộng ra khắp thế giới. Những tay chơi lớn nhận ra mình cần nhiều bằng sáng chế tiêu chuẩn (SEP) hơn. Cơn lốc mua bán bằng sáng chế kéo dài đến tận năm 2012. Điều này đã giúp giảm chi phí kiện tụng đắt đỏ và tạo điều kiện cho các thương vụ mua bán bằng sáng chế đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Giải pháp bản quyền chéo và kho bản quyền trở thành tâm điểm trong việc tạo ra một hệ sinh thái lành mạnh hơn và cách tiếp cận mang tính hợp tác hơn. Trong khi Nokia chứng minh được giá trị của mình và kiếm được tiền để đầu tư và sở hữu trí tuệ, BlackBerry vẫn đang phải vật lộn để tìm ra người mua. Bí quyết nằm ở những bước đi chiến lược của Nokia.

Nokia nhận thấy rằng mình sẽ gặp khó khăn khi phải đối mặt với tốc độ phát triển nhanh chóng của đối thủ cạnh tranh. Nỗ lực trụ lại trong cuộc chơi, Nokia đã bán bộ phận phát triển sản phẩm của mình cho Microsoft với giá 7,5 tỉ USD. Tuy nhiên hãng này chỉ bán một sáng chế trong kho sáng chế với hơn 1400 bằng của mình. Nó xác định sự chênh lệch trong sở hữu trí tuệ của những ông lớn tham gia cuộc chơi và phải dùng những tranh chấp pháp lý và bằng cấp làm cứu cánh. Thế giới phải giật mình và chú ý tới sức mạnh trong sở hữu trí tuệ của Nokia.

Hình 3: Số bằng sáng chế tiêu chuẩn của những hãng smartphone lớn.

Hành động sớm của Nokia giúp hãng này thu được lợi nhuận để tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Trong khi đó, BlackBerry nhận ra điều này quá muộn. BlackBerry quyết định rao bán khi các nhà sản xuất smartphone đã nhận ra lợi ích của việc cấp phép chéo và muốn tham gia vào kho sáng chế hơn là việc mua lại hay kiện tụng. Vì thế, khi kho sở hữu trí tuệ của mình đang có giá trị cao, BlackBerry đã không biết cách thương mại hóa nó và đánh mất cơ hội tái đầu tư.

Quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ mạnh mẽ của Nokia cho cả ngành công nghiệp smartphone thấy sức mạnh của việc độc quyền sáng chế. Do đó, khi Nortel Network tuyên bố sẽ bán kho sáng chế hơn 6000 bằng của nó, Microsoft, Apple, Ericsson, Research In Motion, Sony và EMC đã cùng kết hợp để tạo ra kho bằng sáng chế Rockstar Consortium. Một mặt, đây là hành động đối lại việc Google sẽ mua lại toàn bộ kho sáng chế của Nortal và có ý định độc quyền sở hữu trong lĩnh vực này. Mặt khác, đây cũng là nỗ lực nhằm hướng tới xu hướng chia sẻ sáng chế, đồng sở hữu.

Theo Minh Thu

ICTnews

BÌNH LUẬN