Khan hiếm ca khúc thiếu nhi mới là thật. Nhưng ca khúc hay dành cho thiếu nhi nổi tiếng lâu nay nếu biết làm mới sẽ trở nên hấp dẫn, tươi mới

Chương trình “Tuổi thơ tôi”, diễn ra vào ngày 19-6 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) để lại ấn tượng với công chúng qua những ca khúc thiếu nhi được dàn dựng bằng tư duy khai thác ca khúc thiếu nhi hoàn toàn khác trước.

Bị hấp dẫn bởi những ca khúc tưởng rất cũ

Không quá lời khi nói rằng “Tuổi thơ tôi” thành công ngoài mong đợi khi mà quá đỗi quen thuộc với các bé thiếu nhi như “Ngày đầu tiên đi học” (Nguyễn Ngọc Thiện), “Em là hoa hồng nhỏ” (Trịnh Công Sơn), “Đi học” (nhạc: Bùi Đình Thảo, thơ: Hoàng Minh Chính), “Đếm sao” (Văn Chung), “Bụi phấn” (Vũ Hoàng), “Ông trăng xuống chơi” (Phạm Duy),… có thể lôi kéo cả nhà hát hòa điệu cùng ca sĩ trên sân khấu.

Đã xuất hiện một phiên bản “Chú ếch con” (Phan Nhân) với phần thể hiện của bé Nhật Minh (quán quân “Giọng hát Việt nhí” 2016) mới mẻ và hay không kém tiết mục hợp xướng “Chú ếch con” trên Đài Truyền hình Ý cách đây nhiều năm. Chú ếch con với giai điệu jazz đầy ngẫu hứng và không kém phần vui nhộn trong chương trình “Tuổi thơ tôi” khiến công chúng thích thú. Tương tự, với chất blue dance sôi động nhưng cũng đậm cá tính, ca khúc “Chú voi con ở bản Đôn” khiến cho khán giả thấy phấn khích…

Kho nhạc thiếu nhi đang bị lãng phí - Ảnh 1.

Bé Ngọc Linh và Nhật Minh (quán quân “Giọng hát Việt nhí” 2016) đã thuyết phục khán giả khi thể hiện ca khúc thiếu nhi trong chương trình “Tuổi thơ tôi”

Khoác cho ca khúc thiếu nhi quen thuộc bằng những chiếc áo hòa âm hoàn toàn mới, làm cho chúng trở nên thu hút một cách đặc biệt, đầy sinh khí và rất hiện đại. Ca sĩ Hồng Nhung, một trong những ca sĩ tham gia chương trình, nói: “Chúng ta đã có những khoảnh khắc rất quen nhưng cũng rất lạ. Những ca khúc mà khi chưa hát hẳn khán giả không thể đoán được đó là ca khúc gì dù nó gắn liền với tuổi thơ của chúng ta. Thành công của đêm nhạc này chính là thành công của những điều tưởng chừng rất cũ”.

Với nhạc sĩ Hồng Kiên, đây là đêm nhạc khó nhằn nhất mà anh từng gặp nhưng cũng cho anh trải nghiệm thú vị nhất. Dễ hiểu khi hầu hết ca khúc thiếu nhi đều rất ngắn, chỉ đôi ba câu nhưng để trở thành một tiết mục trình diễn quả là bài toán khó tìm lời giải. Hồng Kiên đã làm được khi “Tuổi thơ tôi” mang đến những diện mạo hoàn toàn mới cho các ca khúc thiếu nhi. Ca sĩ Bằng Kiều, tham gia chương trình, nói: “Ca khúc thiếu nhi với lời ca trong trẻo, hồn nhiên nhưng lại có phần âm nhạc trúc trắc của người lớn. Đó là sự thách đố”. Ngay chính Nhật Minh – ca sĩ nhí của chương trình – cũng thích thú nói rằng: “Từ mai khi con đi hát, con sẽ không hát bài của người lớn nữa. Con muốn hát những ca khúc thiếu nhi như thế này vì nó rất hay và con có thể hiểu hết ca từ trong đó”.

Chỉ cần có tâm

Nghịch lý đến khó hiểu là kho tàng âm nhạc thiếu nhi có đến hàng ngàn bài hát nhưng các đơn vị sản xuất băng đĩa nhạc, tổ chức chương trình game show, sản xuất chương trình truyền hình thực tế liên tục than khan hiếm ca khúc thiếu nhi. Khán giả khó tìm thấy ca khúc dành cho thiếu nhi trong các chương trình truyền hình thiếu nhi thi hát như: “Thần tượng âm nhạc nhí – Vietnam Idol kids”, “Giọng hát Việt nhí – The Voice kids”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Tuyệt đỉnh song ca nhí”…

Khan hiếm ca khúc thiếu nhi mới là thật. Nhưng ca khúc hay dành cho thiếu nhi nổi tiếng lâu nay nếu biết làm mới sẽ trở nên hấp dẫn, tươi mới. Những gì “Tuổi thơ tôi” đã làm là minh chứng.

Ca sĩ Hồng Nhung nói với các em tham gia chương trình “Tuổi thơ tôi” rằng: “Các con hát nhạc người lớn hay rồi nhưng cô nghĩ các con phải học và hát nhạc thiếu nhi đi. Biết bao câu chuyện, biết bao thông điệp trong ca khúc thiếu nhi giúp các con khám phá thế giới của mình. Các con cần tiếp nhận những cái đó trước khi mệt nhoài trong những ca khúc quá cách biệt với tuổi tác các con”.

Thực tế, “chúng ta có một kho tàng ca khúc thiếu nhi hơn 1.000 bài. Chỉ cần chọn trong đó cũng đủ dàn dựng cho hàng trăm chương trình” – bà Nguyễn Mỹ Trang (đạo diễn chương trình “Tuổi thơ tôi”) khẳng định. “Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta phải làm thế nào để những ca khúc thiếu nhi xưa gần gũi với thời đại các em đang sống, bắt kịp được xu hướng âm nhạc hiện đại để không chỉ các bé thiếu nhi mà cả khán giả người lớn cũng yêu thích. Điều đó sẽ đáp ứng được mục tiêu kinh doanh của các đơn vị sản xuất chương trình” – bà Mỹ Trang nói thêm.

Giới chuyên môn từng hết lời khen ngợi bản phối lạ lẫm của “Chú ếch con” (Phan Nhân) mà Đài Truyền hình Ý đã làm trước đây và với những gì đã diễn ra trong “Tuổi thơ tôi”, có thể khẳng định các bài hát thiếu nhi Việt Nam đang có sẽ là một kho nguyên liệu khổng lồ cho các nhà sản xuất âm nhạc sáng tạo. Tuy nhiên, việc tìm được người đủ “tâm” và “tầm” để tạo nên sắc diện mang hơi thở thời đại cho ca khúc thiếu nhi lại là vấn đề. Bởi sự đầu tư này đòi hỏi công sức và cả tiền của. Trong khi đó trong kinh doanh nghệ thuật, yếu tố “lợi nhuận” và “giá trị nghệ thuật đích thực” thường không tỉ lệ thuận với nhau, các đơn vị sản xuất chương trình còn phải cân nhắc.

Bài và ảnh: Thùy Trang

BÌNH LUẬN