Giá nông sản ngày 13.6, thị trường cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đã bật tăng mạnh với mức tăng 500 đồng/kg, lên giao dịch quanh mức 43.700 – 44.200 đồng/kg. Trong khi đó, giá hồ tiêu trong nước vẫn quanh mức 73.000 – 75.000 đồng/kg và chưa thấy có dấu hiệu sẽ tăng giá thêm trong ngày hôm nay.
Giá nông sản hôm nay (14.6), dự báo giá cà phê trong nước sẽ tiếp tục đà tăng nhờ những tín hiệu tốt từ thị trường thế giới. Ảnh minh hoạ.
Giá cà phê bật tăng mạnh phiên thứ 4
Giá nông sản ngày 13.6, thị trường cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đã bật tăng mạnh với mức tăng 500 đồng/kg, lên giao dịch quanh mức 43.700 – 44.200 đồng/kg. Đây là mức giá không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích và khiến nông dân trồng cà phê Tây Nguyên vô cùng phấn khởi, yên tâm đầu tư chăm sóc cà phê vụ mới.
Theo đó, các địa phương có giá giao dịch cao nhất ở mức 44.200 đồng/kg là Cư M’gar, Buôn Hồ (Đăk Lăk); Ia Grai (Gia Lai). Tại Gia Nghĩa (Đăk Nông) và Đăk Hà (Kon Tum), giá cà phê giao dịch ở mức 44.100 đồng/kg. Duy chỉ có cà phê vùng Lâm Đồng là vẫn mua bán ở dưới mức 44.000 đồng/kg.
Tại cảng TPHCM, giá cà phê robusta theo giá FOB kỳ hạn tháng 7.2017 phiên 13.6 đã tăng thêm 28 USD chốt ở mức 1.960 USD/tấn.
Giá cà phê tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên ngày 13.6. Nguồn: vinanet.vn
Trong khi đó trên thị trường thế giới, giá trên cả hai sàn giao dịch London và New York đều tăng nhẹ, riêng giá Robusta đã tăng tới 4 phiên liên tiếp. Theo đó, giá cà phê Robusta giao tháng 7 tăng 28 USD lên 2.030 USD/tấn tại sàn London và giá cà phê Arabica giao trong cùng kỳ tăng 0,83% lên 127,60 Uscent/pound.
Dự báo giá nông sản hôm nay 14.6, cũng như giá của tuần này, chuyên gia phân tích độc lập Nguyễn Quang Bình cho rằng, chỉ cần giá cà phê trên New York không rớt mạnh mà tiếp tục tăng nhẹ nhưng đều đặn, rất có thể giá cà phê robusta sẽ có cơ hội để tìm lại các mức cao cũ. Theo đó, giá cà phê trong nước có thể sẽ vươn tới mức 45.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ở mức giá 43-44 triệu đồng/tấn như hiện nay, người dân vẫn chưa muốn bán nhiều cà phê ra thị trường.
Lượng cà phê còn tồn trên thị trường chủ yếu đang nằm trong tay người khá giả hoặc các doanh nghiệp đã mua với giá cao.
Đáng chú ý là thị trường cà phê đang có nhiều tín hiệu giúp hỗ trợ về giá, khi Brazil – nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới bắt đầu vào mùa đông. Các nhà phân tích cho rằng, không loại trừ giá cà phê sẽ bị “đẩy” lên tới mức 2.114 USD/tấn để thanh lý vị thế đã mua ở mức giá cao của thời gian trước.
Giá hồ tiêu duy trì ở mức thấp, nông dân như “ngồi trên lửa”
Những ngày này, nông dân trồng hồ tiêu tại các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ liên tục nghe ngóng giá từ sàn giao dịch cũng như giá thu mua của các đại lý. Nhìn sang những người trồng cà phê đang khấp khởi mừng vui vì giá duy trì ở mức cao, nhiều nông hộ đang còn trữ tiêu trong nhà không khỏi thở dài. Chỉ trong vòng 10 ngày, giá tiêu từ 82.000 đồng/kg rớt xuống còn 72.000 – 75.000 đồng/kg khiến bà con thực sự “phát hoảng”.
Giá nông sản hôm nay (14.6), dự báo giá hồ tiêu sẽ giữ ổn định. Ảnh: Vy Thảo/Báo Gia Lai
Ông Trần Minh Chánh, nông dân xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) đang trồng 6ha hồ tiêu cho biết, hiện ông đang trữ trong nhà gần 8 tấn tiêu và vẫn đang mong ngóng giá tiêu tăng trở lại để bán ra. “Với giá hiện nay, nếu bán ra tôi sẽ bị lỗ nặng, do tôi đã trót mua thêm 2 tấn tiêu của các hộ khác khi giá còn ở mức trên 100.000 đồng/kg. Giờ tôi xác định là đã trữ là trữ tới cùng” – ông Chánh nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, mặc dù bà con nông dân rất sốt ruột trước tình hình giá tiêu giảm mạnh, song vì giá chưa xuống thấp hơn giá thành, cộng với việc mặt hàng hồ tiêu có thể trữ trong kho từ 2 – 4 năm nên hầu hết nông dân vẫn cố giữ hàng lại để mong gỡ gạc.
Tại thị trường Ấn Độ, giá hồ tiêu có xu hướng giảm trở lại vì nhu cầu mua giảm. Theo đó trên sàn giao dịch Kochi, chỉ có khoảng 10 tấn tiêu vùng cao và bang Wayanad được giao dịch lần lượt với giá 505 rupee/kg va 500 rupee/kg. Trong khi đó, giá tiêu giao ngay tại Ấn Độ giảm 300 rupee xuống 49.700 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 51.700 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc).