Vẫn biết muốn bán được hàng thì phải marketing thật hiệu quả, nhưng đôi khi các nhãn hàng sử dụng những mánh khoé cực kỳ khéo léo để đưa bạn “vào tròng” một cách dễ dàng.
Bạn đã từng rơi vào cảnh này chưa: đi vào siêu thị chỉ với ý định mua một chai dầu gội đầu. Nhưng chẳng hiểu sao thứ bạn cầm khi rời đi lại là một túi đồ to oạch, mà trong đó có những món đồ bạn sẽ phải tự hỏi vì sao mình lại mua thứ đó.
Thực ra, đó là hoàn cảnh chung của rất nhiều người trong chúng ta, và nguyên nhân nằm ở một số mánh khóe của các nhãn hàng, cửa hiệu… nhằm “móc túi” khách hàng một cách thật hiệu quả.
1. Chiến thuật tâm lý
Có thể nói mỗi khi bước vào siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, bạn đã lạc vào “mê hồn trận”, với nghệ thuật sắp đặt dựa trên tâm lý người tiêu dùng.
Đầu tiên, các kệ hàng được sắp xếp ngược chiều kim đồng hồ, vì thống kê cho thấy đa số chúng ta sẽ rẽ trái đầu tiên, và nhìn vào khoảng giữa các kệ hàng bên tay phải. Đó cũng là nơi họ đặt những món đồ đắt tiền, đem lại lợi nhuận cao nhất.
Tiếp theo, một số kệ hàng sẽ có tag giá màu đỏ, vì nó tạo cảm giác mặt hàng đó đang sale, trong khi thực tế thì không phải như vậy.
Ngoài ra, xe hàng của các siêu thị ngày nay cũng to hơn trước nhiều. Điều này kết hợp với khoảng cách chật hẹp giữa các kệ sẽ khiến cho tốc độ di chuyển của bạn giảm xuống, đồng thời khiến bạn có xu hướng nhặt thêm đồ cho đầy xe hàng của mình.
2. Chiến thuật bán “đúp”
Đây lại là hiệu quả của quảng cáo. Để ý nhé, trong quảng cáo kẹo cao su trên TV, diễn viên luôn ăn một lúc 2 cái kẹo. Tương tự với một số loại vitamin và thuốc.
Lâu dần, tiềm thức của người tiêu dùng được hình thành rằng ăn 2 cái kẹo mới là đúng. Vậy là tốc độ sử dụng sản phẩm nhanh hơn, và đương nhiên nhà sản xuất bán được nhiều hàng hơn.
3. Chiến thuật “tạo xu hướng”
“Xoay bánh, nếm kem, chấm sữa” – câu này bạn có thấy quen không? Đó chỉ là một trong vô vàn quảng cáo áp dụng chiến thuật “tạo ra xu hướng” của marketing.
Cụ thể, các nhãn hàng sẽ tạo ra một câu chuyện, hành vi, cách thưởng thức… cho sản phẩm để “in” nó vào tiềm thức của người tiêu dùng, bất kể câu chuyện có ý nghĩa gì không.
Kết quả, chúng ta sẽ tìm cách mua sản phẩm để làm theo, rồi cũng gật gù thấy đúng. Còn người được lợi nhất là ai chắc cũng không cần phải bàn đến nữa.
4. Chiến thuật… đao to búa lớn
Về cơ bản, các nhãn hàng luôn có xu hướng khiến cho sản phẩm của mình trông rất… “nguy hiểm”, kiểu như trong dầu gội có tinh chất của một loài hoa hiếm giúp tóc phục hồi nhanh chóng chẳng hạn. Có điều, sự thực là số tinh dầu đấy chiếm chưa đầy 1/10.000 lọ dầu. Chưa kể, tác dụng thực sự của loại hoa đó là như thế nào, họ cũng “lờ lớ lơ” luôn.
Một mẹo khác cũng hiệu quả không kém, đó là in lên sản phẩm dòng chữ “Được khuyên dùng bởi các chuyên gia hàng đầu…”.