Nguyên-Kan, người mẹ trẻ của 2 cô con gái và là tác giả cuốn sách “Mẹ đoảng dạy con” chia sẻ về bí quyết khiến các bé thích đọc sách.
Vừa mới xuất bản, cuốn sách Mẹ đoảng dạy con cùng câu chuyện nuôi con nhỏ ở Pháp của Nguyên-Kan đã thu hút được sự quan tâm của nhiều bà mẹ trẻ. Zing.vn có cuộc trò chuyện với tác giả về bí quyết hình thành thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ.
– Cơ duyên nào khiến chị cho ra đời cuốn “Mẹ đoảng dạy con”?
– Cuốn sách ra đời là nhờ có sự động viên của rất nhiều người. Từ khi bé Nhím, con gái lớn của tôi chào đời, tôi có thói quen ghi nhật ký cho con. Đầu tiên là chuyện sức khoẻ, những chuyển biến nhỏ mỗi ngày của con, tiếp theo là những hành động, lời nói ngô nghê đáng yêu của bé. Những kỷ niệm nhỏ xinh ấy nhiều lên mỗi ngày, nếu không ghi lại thì sau này sẽ không thể nhớ hết được.
Lúc này ba của Nhím đang học tiến sĩ tại Pháp, những câu chuyện nhỏ mà tôi ghi lại hàng ngày có thể giúp anh cập nhật tình hình của con gái và cảm thấy gần con hơn. Ngoài ra, những ghi chép này cũng giúp tôi nhìn nhận những cái hay cái dở trong quá trình nuôi dạy con để còn “rút kinh nghiệm về sau”. Lâu dần, những bài viết ngày một nhiều, chồng tôi có gợi ý về việc viết sách, tôi chỉ cười trừ.
Sau này, khi sang Pháp sinh sống và học tập, đồng thời sinh bé thứ hai. Tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con ở bên này, và nhận thấy có rất nhiều điểm khác biệt so với ở Việt Nam. Tôi cũng thường viết bài trên Facebook để chia sẻ về điều này. Nhiều bạn bè đã đọc và ủng hộ tôi viết sách để chia sẻ kinh nghiệm với các bà mẹ trẻ, bởi có thể sẽ rất có ích với những người chập chững bắt đầu vai trò làm mẹ.
Nguyên-Kan, tác giả cuốn Mẹ đoảng dạy con. |
– Trong cuốn sách của mình, chị đề cao việc xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ. Ngoài việc tiếp cận tri thức và là một thú vui hữu ích, đọc sách còn giúp con gái chị sớm thích nghi với môi trường mới?
– Lúc sang Pháp, bé Nhím mới 4 tuổi, không biết nói tiếng Pháp hay tiếng Anh, cộng thêm tính cách nhút nhát nên thời gian đầu bé không muốn tới trường, vì không hiểu cô và các bạn nói gì. Bản thân tôi cũng không muốn dạy con tiếng Pháp vì muốn con tiếp thu ngôn ngữ mới một cách tự nhiên như ngôn ngữ mẹ đẻ.
Tuy nhiên, để giúp bé vượt qua rào cản ngôn ngữ ban đầu, tôi thường đưa con tới thư viện thành phố. Tại đây, tôi thường chọn những cuốn sách đơn giản, có sau đó đọc cho con nghe để con biết một số từ vựng cơ bản. Ngoài ra, bé Nhím cũng rất thích thú tham dự những buổi đọc sách do thư viện tổ chức.
Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất để trẻ thích nghi với môi trường mới. Những cuốn sách không chỉ khiến bé Nhím tiếp thụ ngôn ngữ mới nhanh chóng, mà còn giúp con vượt qua nỗi lo lắng ban đầu để tự tin hoà nhập vào môi trường mới.
– Bé Nhím, con gái lớn của chị là một cô bé rất thích đọc sách. Vậy với chị, phương pháp tốt nhất để khơi dậy niềm vui đọc sách của con trẻ là gì?
– Cả hai con gái nhà mình, Nhím (9 tuổi) và Sâu (4 tuổi) đều thích đọc sách. Để xây dựng thói quen đọc sách của con trẻ, không hề khó khăn như chúng ta vẫn tưởng. Ngay từ khi các con còn nhỏ, mình thường đọc sách cho con nghe mỗi tối trước khi đi ngủ, hoặc cho con tự xem sách. Dù khi đó, con chưa biết đọc, chỉ xem hình và tự tưởng tượng ra một câu chuyện của riêng mình.
Tôi cũng thường đưa con tới thư viện thành phố (miễn phí cho đối tượng dưới 18 tuổi), cho các con tự lựa chọn sách để mượn mang về nhà. Lúc con bắt đầu biết đọc nên khuyến khích con tự đọc, bắt đầu từ những cuốn đơn giản và tăng dần độ phức tạp. Phần thưởng, quà tặng cho các con của mình cũng thường là những cuốn sách.
Ở trường , việc đọc sách cũng được các thầy cô giáo khuyến khích. Các cháu ngay từ lứa tuổi mẫu giáo, mỗi tuần được mượn một cuốn sách từ thư viện trường mang về nhà, hoặc được thầy cô khuyến khích mang sách của mình đến để chia sẻ cùng với các bạn ở lớp. Với mỗi cuốn sách con đọc, tôi cũng thường thảo luận cùng con về nội dung cuốn sách, về những điều con thích hoặc không thích.
Ngoài ra, con tôi cũng thấy bố mẹ thường xuyên đọc sách, có lẽ việc đó cũng gây ảnh hưởng tích cực tới các con. Tôi nghĩ, sách gắn bó với các con từ nhỏ nên thói quen đọc sách được hình thành một cách tự nhiên và dễ dàng.
Hai cô bé Nhím và Sâu cùng niềm vui đọc sách. |
– Là một người nghiên cứu về giáo dục ngôn ngữ, theo chị việc đọc sách ảnh hưởng như thế nào tới khả năng giao tiếp và tư duy ngôn từ của trẻ?
– Việc đọc sách giúp ích rất nhiều trong việc phát triển ngôn ngữ và tư duy. Tăng vốn từ vựng một cách nhanh chóng và hiệu quả, tăng khả năng viết lách, phát triển khả năng ngôn ngữ và giao tiếp, tăng sự tập trung và khả năng tư duy lô-gic. Đọc sách cũng chính là một hình thức thể thao cho não bộ.
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng những học sinh đọc nhiều, thường có kết quả học tập tốt hơn, tư duy nhanh nhạy và sáng tạo hơn. Krashen, nhà nghiên cứu ngôn ngữ nổi tiếng người Mỹ, luôn đề cao sức mạnh của việc đọc sách, ông thậm chí còn khẳng định rằng: “Không có thói quen đọc sách, trẻ em sẽ chẳng có lấy bất kỳ một cơ hội nào”. Để phát huy khả năng sử dụng ngôn ngữ, chúng ta cần trải qua một quá trình tích luỹ, mà việc đọc sách là một trong những công cụ giúp chúng ta tích luỹ vốn ngôn ngữ hiệu quả nhất.
Sách Mẹ đoảng dạy con. |
– Có người nói rằng: “Không thể có một đứa trẻ yêu đọc sách, nếu bố mẹ suốt ngày cầm điện thoại thông minh”. Chị nghĩ gì về ý kiến này?
– Tôi nghĩ rằng, nếu bố mẹ đã sớm hình thành thói quen đọc sách cho con nghe từ bé và khuyến khích con tự đọc sách, thì dù bố mẹ có suốt ngày cầm điện thoại thông minh thì con vẫn thích đọc sách. Quan trọng hơn nữa, là việc bố mẹ có cho các con tự do sử dụng các thiết bị thông minh hay không. Một khi bị thu hút vào những thiết bị này, các bé thường sao nhãng việc đọc sách.
Bản thân mình không ủng hộ việc bố mẹ suốt ngày cầm điện thoại thông minh mà đánh mất khoảng thời gian chất lượng bên con cái. Dù bận đến mấy, cũng nên dành ít nhất 15 đến 30 phút mỗi ngày trò chuyện, chơi cùng con, đọc sách và chia sẻ về cuốn sách mà con đang đọc, hoặc giúp con học bài. Nhưng giờ phút đó sẽ để lại trong các con những dấu ấn tuổi thơ không gì có thể thay thế được.