Ở tuổi 29, thông qua hoạt động phi pháp, Caro Quintero đã có 500 triệu USD trong tài khoản, 36 căn nhà và 300 công ty ma chuyên rửa tiền.
Căn cứ Guadalajara nằm tại Rancho Bufalo, một trang trại trồng cần sa lớn ở phía bắc bang Chihuahua, có doanh thu hàng năm vào khoảng 8 tỷ USD.
Caro Quintero có khối tài sản khổng lồ ở tuổi 29
Ở thời điểm đó, khi ma túy vẫn còn là một thị trường mới mẻ và giàu tiềm năng, băng đảng Guadalajara trở thành tổ chức duy nhất buôn bán ma túy tại Mexico, với tầm ảnh hưởng ngày một lớn mạnh.
Không chỉ vậy, Caro Quintero cùng các cộng sự sớm hình thành mối liên kết hợp tác với các mạng lưới mafia quyền lực tại Colombia, trong đó có băng đảng của Pablo Escobar nhằm vận chuyển một lượng lớn cần sa và cocaine vào Mỹ.
Ở tuổi 29, nhiều người chưa có gì trong tay nhưng nhờ những hoạt động phi pháp, Caro Quintero đã có 500 triệu USD trong tài khoản, 36 căn nhà và 300 công ty ma chuyên rửa tiền tại khu vực Guadalajara.
Những vụ sát hại do Caro Quintero làm chủ mưu là nguyên nhân chính khiến hắn rơi vào vòng lao lý.
Những vụ sát hại của Caro Quintero
Ngày 30/1/1985, Caro Quintero bị buộc tội sát hại nhà văn John Clay Walker và sinh viên nha khoa Albert Radelat. Theo các nhân chứng, 2 nạn nhân bị người của Caro Quintero bắt đi, thẩm vấn và tra tấn đến chết.
John Walker được phát hiện tử vong với vết thương ở đỉnh đầu, trong khi Albert Radelat bị chôn sống tại công viên San Isidro Mazatepec gần đó. Cảnh sát tin rằng Quintero đã nhầm lẫn Walker và Radelat với các điệp viên của Mỹ.
Dù vậy, không mất quá nhiều thời gian để Quintero tìm ra chân tướng kẻ nằm vùng thực sự, đó chính là Enrique Camarena.
Enrique Camarena, 37 tuổi, nhân viên của Lực lượng chống ma túy Mỹ (DEA), hoạt động ngầm với tư cách một khách hàng tiềm năng của băng đảng Guadalajara.
Vào tháng 11/1984, giới chức Mexico đột kích vào trang trại của Caro Quintero rộng hơn 890 m2 tại bang Chihuahua, đốt cháy hơn 10.000 tấn cần sa.
Số cần sa này ước tính vào khoảng 160 triệu USD. Người chỉ điểm cho cảnh sát Mexico chính là Camarena, vốn đã quá quen thuộc với hoạt động buôn bán ma túy của Caro Quintero, thông qua những vụ làm ăn ngầm.
Lý do trên khiến cho Caro Quintero và những thành viên cấp cao trong băng đảng Guadalajara vô cùng tức giận và tìm cách thực hiện kế hoạch trả thù.
Ngày 7/2/1985, Enrique Camarena và phi công Alfredo Zavala Avelar bị bắt cóc, chỉ một tháng trước khi chuyển công tác tới San Diego, Mỹ.
Ở thời điểm đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Ronald Reagan gây sức ép với Mexico hòng tìm kiếm hai người đàn ông mất tích.
Không tin tưởng các cơ quan công quyền của đất nước láng giềng, những đặc vụ ưu tú nhất xứ sở cờ hoa được cử sang nhằm lãnh đạo cuộc tìm kiếm.
Vụ việc này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ giao thương và các thỏa thuận song phương giữa hai nước. Biên giới của Mỹ với Mexico cũng tạm thời bị đóng cửa.
Dù vậy, một tháng sau, tất cả những gì người Mỹ tìm được chỉ là những cái xác vô hồn của nạn nhân, được bỏ lại trên đường phố Michoacan với dấu hiệu bị tra tấn.
Tên của những kẻ cầm đầu vụ bắt cóc xuất hiện trên các mặt báo tại Bắc Mỹ. Ông trùm Caro Quintero bị bắt giữ khi có ý định cùng bạn gái bỏ trốn tới Costa Rica.
Tên này bị tuyên án 40 năm tù giam, chịu sự quản thúc tại nhà tù Mexico với tội danh buôn bán ma túy, giết người.
Cái chết của Enrique Camarena và Alfredo Zavala Avelar gây rúng động nước Mỹ. Song với thế giới ngầm Mexico, đó là khúc khải hoàn thực sự, đánh dấu một bước ngoặc lớn trong quá trình phát triển các băng đảng ma túy tại Mexico.
Enrique Camarena – Nạn nhân của Caro Quintero. Ảnh: Los Angeles Times .
Với việc một loạt các nhân vật đầu não như Caro Quintero rơi vào vòng lao lý, điều đó đã khiến cho băng Guadalajara tách ra thành nhiều nhóm nhỏ, tạo cơ sở hình thành các băng nhóm ma túy quyền lực ngày nay.
Khởi đầu mới của các băng đảng ma túy Mỹ
Sau khi tan rã, phân nửa Guadalajara tách riêng thành lập băng đảng mới có tên Sinaloa, dưới sự điều hành của Joaquin Guzman.
Với khối tài sản lên tới 1 tỉ USD, Guzman đã giúp cho Sinaloa nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những băng đảng ma túy hùng mạnh nhất thế giới.
Trong khi đó, phân nửa còn lại hình thành lên băng đảng Tijuana, một trong những nhóm lớn nhất và tàn bạo nhất Mexico, theo đánh giá của Arizona Daily Star.
Băng đảng này được hoạt động dưới sự điều hành của cháu trai của Félix Gallardo, anh em nhà Arellano Felix.
Với bản thân Caro Quintero, hắn vẫn tiếp tục bí mật tham gia điều hành các hoạt động của băng đảng Sinaloa và chờ cơ hội để tẩu thoát. Hắn được thả tự do vào ngày 9/8/2013, sớm hơn 12 năm so với bản án nhận được.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ vô cùng thất vọng trước việc này, còn DEA nói động thái không được báo trước này là “vô cùng đáng lo ngại”.
Bởi Caro Quintero hiện vẫn được xem là một trong 5 tội phạm quốc tế hàng đầu và Mỹ tin rằng y vẫn kiểm soát tiền buôn ma túy sau song sắt.
Tổng chưởng lý Mexico Jesus Murillo Karam cũng bày tỏ lo ngại trước việc thả Caro Quintero. Tung tích về Caro Quintero vẫn hoàn toàn là điều bí ẩn.
Theo Zing.vn