Với GDP đạt 1.200 tỷ USD, nền kinh tế khu vực PRD còn lớn hơn cả Indonesia – nơi có dân số đông gấp 4 lần. 10 năm qua, khu vực này có tốc độ tăng trưởng trung bình 12%/năm.
Đến một lúc nào đó chủ nghĩa kinh tế tự do có thể trở nên lạc hậu, nhưng vẫn là sau khi tạo nên những điều kỳ diệu ở một nơi trên thế giới. Nếu muốn chứng kiến một trong số những điều kỳ diệu ấy, hãy đến thăm trạm quản lý xuất nhập cảnh La Hồ nằm ở biên giới ngăn giữa Thâm Quyền và Hồng Kông, nơi mỗi năm có khoảng 80 triệu người qua lại.
Kể từ năm 1980, khi cố Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình quyết định xây dựng Thâm Quyến thành 1 đặc khu kinh tế, mở cửa chào đón dòng vốn đầu tư nước ngoài và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, hàng nghìn tỷ USD hàng hóa, dịch vụ và vốn đầu tư đã chảy qua nơi đây.
Những con số sẽ khiến bạn phải kinh ngạc
40 năm trước, Thâm Quyến chỉ là 1 vùng nông thôn tù túng lầy lội. Giờ đây, vùng đất này lại là thành phố năng động nhất của đồng bằng sông Châu Giang (PRD) – khu vực sáng tạo nhất của Trung Quốc. Rem Koolhaas, một kiến trúc sư người Hà Lan giảng dạy ở ĐH Harvard, gọi đây là một “generic city” – nơi không cần kế thừa di sản gì nhưng có thể nhanh chóng thích nghi và tăng trưởng vượt trội.
Nằm cách La Hồ không xa là Hồ Bắc. Những ngôi nhà cũ kỹ đang bị phá bỏ để thay thế bằng những cấu trúc hiện đại. “Nếu tất cả chúng ta cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi này, mọi gia đình đều hưởng lợi!”, một tấm băng rôn lớn nêu khẩu hiệu. Người dân bị phá nhà sẽ được đền bù.
“Nhiều người coi khu vực này là 1 khu ổ chuột”, Mary Ann O’Donnell – một chuyên gia đặc biệt quan tâm đến các ngôi làng ven đô của Thâm Quyến – nói. Đúng là vùng này trông thảm hại nếu so sánh với Nam Sơn là vùng đặc biệt giàu có đã phát triển nhanh chóng nhờ ngành công nghệ cao ở bên cạnh (Nam Sơn có thu nhập bình quân đầu người đạt 50.000 USD/năm); nhưng không thể phủ nhận nơi đây đã được hưởng lợi lớn từ toàn cầu hóa. Những ngôi nhà đã có bờ tường và mái ngói vững chãi hơn. Người dân có điện, nước và hệ thống vệ sinh để sử dụng. Hồ Bắc không phải là thiên đường, nhưng bất kỳ ai đang sống trong những khu ổ chuột ở Caracas hay Mumbai đều sẽ cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống như vậy.
Là khu vực trung tâm của tỉnh Quảng Đông, vùng đồng bằng sông Châu Giang (Pearl River Delta – PRD) là nơi tập trung 9 thành phố lớn gồm Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Đông Quản, Trung Sơn, Phật Sơn, Quý Châu, Giang Môn và Triệu Khánh, cùng Đặc khu hành chính Hồng Kông và Ma Cao. Ngân hàng Thế giới World Bank mới đây cho rằng PRD chính là siêu đô thị lớn nhất thế giới (vượt Tokyo). Với 66 triệu dân, khu vực này đông dân hơn cả nước Ý.
Vùng tam giác có diện tích không lớn nằm ở cửa ngõ phía Nam của Trung Quốc có sức mạnh kinh tế đáng nể. Với GDP đạt 1.200 tỷ USD, nền kinh tế khu vực PRD còn lớn hơn cả Indonesia – nơi có dân số đông gấp 4 lần. 10 năm qua, khu vực này có tốc độ tăng trưởng trung bình 12%/năm. Xét theo khía cạnh trung tâm thương mại toàn cầu, PRD chỉ đứng sau Mỹ và Đức.
Đối với Trung Quốc, khu vực PRD rất quan trọng. Mặc dù chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích và 5% dân số Trung Quốc, khu vực này tạo ra hơn 10% GDP và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là nơi đón nhận 20% tổng lượng vốn FDI và đã thu hút được tổng cộng hơn 1.000 tỷ USD vốn FDI kể từ năm 1980 đến nay.
Tất cả những điều này sẽ không xảy ra nếu như không có chính sách mở cửa. Nếu như trong những năm 1980 và 1990, chính sách mở cửa giúp biến vùng đồng bằng này thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc, ngày nay nơi đây lại trở thành khu vực sáng tạo nhất.
Thách thức không nhỏ và 4 trụ cột sẽ định hình tương lai
Dẫu vậy, khu vực này đang đối mặt với không ít thách thức. Ở nhiều vùng, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, nhiều nền kinh tế đang trỗi dậy và cạnh tranh trực tiếp với PRD, khiến dòng chảy vốn FDI chậm lại. Trong bối cảnh dân số già và lực lượng lao động của Trung Quốc ngày càng thu hẹp, dòng người nhập cư đổ về khu vực này cũng suy giảm. Từ con số 1,1 triệu USD của năm 2008, số người nhập cư vào Quảng Đông đã giảm gần 1 nửa, xuống chỉ còn 600.000 người trong năm ngoái. Mức độ cạnh tranh ngày càng tăng và lực lượng lao động bị thu hẹp là vấn đề của toàn đất nước, nhưng vì là vùng mở nhất và tuân theo cơ chế thị trường nhiều nhất, khu vực PRD đang bị ảnh hưởng mạnh hơn so với các vùng còn lại.
Trong hoàn cảnh ấy, liệu khu vực PRD có thể vượt qua khó khăn và một lần nữa dẫn dắt Trung Quốc? Theo Economist, khu vực này cần duy trì 4 trụ cột đặc biệt quan trọng sẽ định hình tương lai: đa dạng hóa, mở rộng thị trường, tự động hóa và sáng tạo.
Đa dạng hóa là cần thiết vì hai lý do. Yếu tố nhân công giá rẻ từng tạo nên sức hấp dẫn cho các nhà máy của vùng này đang dần suy yếu, trong khi chi phí tiền lương thì tăng vọt, buộc các ông chủ phải chuyển nhà máy sang những nơi có chi phí thấp hơn. Cùng lúc đó, hoạt động xuất khẩu sang phương Tây ngày càng khó khăn hơn, chưa tính đến việc cả Mỹ và châu Âu đang có thái độ khắt khe hơn trước đối với hàng hóa nhập khẩu. Vì thế mà nhiều doanh nghiệp đang đổi hướng quay lại với thị trường nội địa.
Điều này dẫn đến yếu tố thứ hai: mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp đang cố gắng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hoạt động kinh doanh nội địa dễ dàng hơn. Không giống như vùng đồng bằng sông Dương Tử – nơi tập trung phục vụ thị trường nội địa, khu vực PRD chỉ phục vụ thị trường thế giới do đó mọi cơ sở hạ tầng đều được thiết kế chỉ để phục vụ xuất khẩu. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng phải phát triển hệ thống logistic gần như hoàn toàn mới. Và tự động hóa sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Sáng tạo là yếu tố cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, có ý nghĩa sống còn với khu vực từng nổi tiếng với những sản phẩm sao chép. Thâm Quyến, thành phố của những người nhập cư, đang chuyển từ nơi tập trung một loạt các công xưởng làm hàng nhái thành nơi có những nhà máy công nghệ cao, phát triển robot và công nghệ gene. Đó là nơi đặt trụ sở của Huawei và Tencent, hai trong số các tập đoàn đa quốc gia có giá trị vốn hóa lớn nhất và sáng tạo nhất của Trung Quốc. Thậm chí Apple cũng đang xây dựng 1 trung tâm R&D ở đây.
Mùa hè năm nay, Hồng Kông sẽ kỷ niệm 20 năm ngày được Anh trao trả về Trung Quốc. Mô hình nhà nước pháp quyền và những tiêu chuẩn quốc tế đã giúp thành phố cảng này trở thành trung tâm tài chính toàn cầu hùng mạnh. Hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán Hồng Kông là do tư nhân quản lý, và đây cũng là trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ ở hải ngoại, là cầu nối dẫn dắt dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào đại lục.
Kinh tế Trung Quốc đang gặp phải những rắc rối nhất định với mức tăng trưởng chỉ bằng một nửa so với thời kỳ huy hoàng, số vốn được phân bổ vào các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả khiến năng suất của nền kinh tế sụt giảm, tạo ra gánh nặng nợ và những công ty zombie vẫn lay lắt sống dù hoạt động không hiệu quả.
Trong bối cảnh ấy, liệu khu vực PRD với những doanh nghiệp tư nhân đã quen va chạm có thể tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua chông gai?
Theo cafef.vn