Tin được không khi trên thế giới tồn tại loài động vật có dấu vân tay giống con người đến mức kính hiển vi điện tử quét cũng khó có thể phân biệt được.
Mỗi người trong chúng ta đều có dấu vân tay riêng, không ai giống ai – đó là điều không phải bàn cãi. Những tưởng cái đặc điểm này chỉ tồn tại duy nhất ở con người, ấy vậy mà tin được không, trên thế giới có 1 loài động vật có dấu vân tay giống chúng ta đấy.
Mà đặc biệt hơn, khi phân tích dưới kính hiển vi, những vân tay của loài sinh vật này chẳng khác ta là bao. Chúng là ai vậy?
Xin thưa, đó là những chú gấu Koala.
Là loài gấu đặc biệt chỉ sống tại châu Úc, gấu Koala rất hiền lành, chỉ ăn lá cây, hoa quả. Với vẻ ngoài đáng yêu, hiền lành, thế nên chúng cũng được chọn là 1 trong những biểu tượng của nước này, bên cạnh chim kiwi và chuột túi kangaroo.
Tuy nhiên, điều đặc biệt đâu chỉ có thế, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, gấu Koala sở hữu dấu vân tay gần giống với con người nhất. Dấu vân tay này giống đến mức kính hiển vi điện tử quét SEM cũng khó có thể phân biệt được.
Dấu vân tay của gấu Koala trưởng thành (trái) và người trưởng thành (phải). Và hình ảnh qua máy quét dấu vân tay của gấu Koala (dưới bên trái) và dấu vân tay người (dưới bên phải).
Nghiên cứu về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng, đặc điểm trên đầu ngón tay của gấu Koala phát triển chủ yếu trong giai đoạn tiến hóa gần đây, bởi họ hàng gần của loài này như chuột túi và chuột kangaroo không có dấu vân tay.
Trong nhiều thập kỉ qua, các nhà giải phẫu học đã tranh cãi quyết liệt về mục đích của việc ngón tay có dấu vân tay.
Nhóm các chuyên gia giải phẫu học tại Đại học Adelaide (Úc) tin rằng, vân tay được hình thành do cách chúng ta cầm nắm. Và ở gấu túi cũng vậy.
Chia sẻ trong bài viết của mình, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Adelaide nhận định, Koala kiếm ăn bằng cách dùng tay để leo lên rồi trèo dọc nhánh nhỏ các cành bạch đàn, với tay ra vặt lá và đưa vào miệng ăn.
Vì thế, cách giải thích có phần hợp lý nhất về việc vì sao gấu Koala có dấu vân tay – đó là sự thích ứng về mặt cơ sinh học giúp cầm nắm đồ vật. Hoạt động này đã sản sinh ra tác động cơ học đa chiều trên da, khiến cấu trúc da hình thành 1 cách có trật tự.
Nguồn: Livescience, io9
Theo:Kenh14