Với sự ra đời của các thế hệ điện thoại thông minh cùng với tốc độ phát triển internet như “vũ bão”, thanh toán di động đang trở thành xu thế tất yếu của ngân hàng hiện nay, nhất là trong thời kỳ hội nhập.

Phát triển mạnh ở các thị trường

Nhận định về vấn đề này, ThS. Lê Phương Lan, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, cho biết thị trường thanh toán di động rất nhiều tiềm năng. Bởi trong tương lai, thị trường thanh toán di động sẽ chứng kiến những dịch vụ và giải pháp bị phân mảng.

Tại các nước phát triển, thanh toán di động đang phát triển mạnh cả online lẫn các điểm cửa hàng trực tiếp.

Cụ thể, các ngân hàng và các nhà phát triển công nghệ sẽ vẫn quan tâm đến những giải pháp phù hợp với từng thị trường nội địa; sẽ xuất hiện một số nhà cung cấp toàn cầu có quy mô và nguồn lực lớn để phục vụ những khách hàng lớn, thị trường đại chúng mà những yêu cầu có thể đã được đáp ứng bởi các giải pháp tiêu chuẩn.Tuy nhiên, SMS vẫn sẽ là công nghệ tiếp cận thống trị tại các thị trường đang phát triển. Web/WAP là công nghệ tiếp cận được yêu thích hơn tại Bắc Mỹ và Tây Âu, những khu vực mà internet di động luôn sẵn có và được kích hoạt trên thiết bị của người dùng. Giao dịch NFC sẽ tăng mạnh vì thanh toán NFC có liên quan đến sự thay đổi hành vi của người dùng và cần sự phối hợp giữa các thanh viên tham gia chuỗi thanh toán như ngân hàng, nhà vận hành mạng lưới di động, hệ thống thanh toán thẻ và nhà kinh doanh.

Ngoài ra, việc thanh toán di động cho các giao dịch mua bán hàng hóa sẽ tăng nhanh. Việc này sẽ bao gồm mua bán thương mại điện tử khi người dùng giao dịch mua trực tuyến cũng như mua tại cửa hàng. Hiện nay, các công ty bán lẻ điện tử như Amazon và eBay đã phát triển hệ thống cửa hàng trực tuyến mạnh và nhận thấy sự tăng trưởng lớn đến từ kênh di động.

Đối với mua bán giao dịch tại cửa hàng, ứng dụng thẻ di động của Starbucks hiện tại đang được triển khai trên phạm vi toàn nước Mỹ sau thành công của chương trình thí điểm. Nhiều nhà kinh doanh sẽ giới thiệu các thanh toán di động của riêng mình sau thành con của Starbucks.

Tại những thị trường đang phát triển, dịch vụ chuyển tiền và nạp tiền điện tử sẽ chiếm hầu hết khối lượng giao dịch. Trong đó, chuyển tiền sẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất với giá trị giao dịch vì nhu cầu về bảo mật, hiệu quả trong phương thức giữ và chuyên tiền.

Cơ hội thúc đẩy cho thị trường Việt Nam

Thanh toán di động là cơ hội mở rộng thị trường tài chính cho các ngân hàng.

Theo ThS. Lê Phương Lan, với một nước có nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu như Việt Nam, người dân đa phần sống ở nông thôn thì việc thanh toán qua điện thoại di động được Chính phủ quan tâm phát triển nhờ khả năng hỗ trợ cho việc mở rộng tiếp cận tài chính cho các đối tượng ít đến các dịch vụ ngân hàng, các đối tượng vùng sâu vùng xa, những hộ gia đình thu nhập thấp và các doanh nghiệp quy mô nhỏ chưa tiếp cận được với các nguồn tài chính từ các định chế tài chính chính thức.Như vậy, điện thoại di động có thể xem như là một thiết bị hữu dụng kết nối với các kênh cung ứng dịch vụ tài chính, đặc biệt đối với những người không có tài khoản ngân hàng, từ đó giúp họ mở rộng khả năng tiếp cận tài chính và đạt được sự tài chính toàn diện – một mục tiêu nhiều quốc gia đang theo đuổi nhằm giảm bớt chênh lệch giàu nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội.

Thực tế cho thấy, hiện nay chỉ có khoảng 40% dân số tiếp cận các dịch vụ tài chính và phần lớn ở thành thị. Chưa kể, mỗi người dân thành thị đang cùng lúc sở hữu nhiều thẻ ngân hàng nên số lượng thẻ ở thành thị chiếm một tỷ lệ rất cao so với khu vực nông thôn, nơi mà người dân hầu như không có thẻ.

Tính đến hết năm 2017, mạng lưới ngân hàng với gần 2.800 chi nhánh và gần 7.300 phòng giao dịch, cùng với 1.166 Quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô trải rộng khắp cả nước phục vụ cho gần 100 triệu cư dân Việt Nam, song mật độ bao phủ có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn. Cụ thể, tính cuối năm 2016, có trên 111 triệu thẻ ngân hàng được phát hành và lưu thông, nhưng hầu hết người sở hữu lại ở thành thị và giao dịch chủ yếu là rút tiền mặt.

“Vì thế, thanh toán di động sẽ là một giải pháp để tạo ra một động lực mới để thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện. Trong đó, tạo ra một cơ hội kinh doanh rất lớn cho các bên cung ứng dịch vụ, bao gồm cả ngân hàng, tổ chức công nghệ tài chính và các công ty viễn thông. Bên cạnh đó sẽ đáp ứng được một bộ phận dân chúng đang ở tuổi lao động, dễ dàng tiếp cận công nghệ mới”, ThS. Lê Phương Lan nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để thanh toán di động có thể phát triển mạnh tại Việt Nam, ThS. Lê Phương Lan cho rằng cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm cập nhật thường xuyên và tạo điều kiện cho việc áp dụng những sản phẩm thanh toán mới, đặc biệt trong điều kiện có sự tham gia của nhà cung ứng dịch vụ phi truyền thống trên thị trường thanh toán di động.

Ngoài ra, phải thiết lập một mạng lưới thanh toán an toàn, tin cậy, đem đến sự thuận tiện với chi phí thấp. Đây là yếu tố quyết định để có thể thu hút được số lượng lớn khách hàng. Để đạt được điều này, cần hạn chế và loại bỏ các rào cản gia nhập thị trường, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh và minh bạch giữa các chủ thể tham gia.

Cuối cùng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần hỗ trợ tích cực cho những bước tiến trong thanh toán nói chung và thanh toán di động nói riêng.

Hải Yên/Báo Tin Tức

BÌNH LUẬN