Do Mặt Trời mất dần khối lượng và lực hấp dẫn yếu đi, Trái Đất trôi xa khỏi Mặt Trời với tốc độ khoảng 1,5 cm mỗi năm.
Trái Đất đang ngày càng cách xa Mặt Trời. Ảnh: Metro. |
Khi Mặt Trời “già” đi và mất dần khối lượng, lực hấp dẫn tác động đến các hành tinh xung quanh cũng yếu đi, Register hôm 19/1 đưa tin. Điều này nghĩa là quỹ đạo của các hành tinh xoay quanh Mặt Trời, trong đó có Trái Đất, ngày càng mở rộng với tốc độ rất chậm.
Mặt Trời mất dần vật chất khi các hạt mang điện bị gió Mặt Trời cuốn đi. Quá trình tổng hợp hydro thành heli trong lõi Mặt Trời cũng khiến một phần khối lượng hydro bị chuyển thành năng lượng. Do khối lượng liên quan đến lực hấp dẫn nên lực hấp dẫn mà Mặt Trời tác động lên các hành tinh cũng yếu đi.
Quá trình Trái Đất trôi ra xa diễn ra rất chậm, theo Antonio Genova, chuyên gia tại trung tâm Goddard thuộc NASA, đồng thời là tác giả cuộc nghiên cứu. Cụ thể, quỹ đạo Trái Đất quay quanh Mặt Trời chỉ mở rộng khoảng 1,5 cm mỗi năm. Trong khi đó, khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời là gần 150 triệu km.
Đây chỉ là số liệu ước tính vì tốc độ giảm khối lượng của Mặt Trời thay đổi trong suốt thời gian khoảng 10 tỷ năm Mặt Trời tồn tại. Giả sử tốc độ này gần như cố định, quỹ đạo Trái Đất sẽ mở rộng 150.000 km trước khi Mặt Trời chết, tương đương 0,1% khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất.
“Tác động này sẽ tăng lên theo khoảng cách. Sao Thổ, hành tinh xa Mặt Trời gấp 10 lần Trái Đất, trôi xa hơn 14 cm mỗi năm”, Genova cho biết.
Các nhà khoa học sử dụng dữ liệu từ tàu thăm dò MESSENGER của NASA, con tàu có nhiệm vụ đo vị trí của sao Thủy để tính toán tốc độ giảm khối lượng của Mặt Trời. “Sao Thủy là vật thể hoàn hảo cho những thí nghiệm dạng này, vì sao Kim rất nhạy cảm với tác động từ lực hấp dẫn và hoạt động của Mặt Trời”, Genova cho biết.
Thu Thảo