Đến Việt Nam hơn một năm nhưng Shopee đã tỏ tham vọng thành người dẫn đầu thị trường thương mại điện tử qua các chiến dịch rầm rộ gần đây.

“Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng, làm sao để người Việt Nam cứ nghĩ đến mua hàng trên mạng là nghĩ đến Shopee”, ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc Tài chính và Vận hành Shopee Việt Nam trả lời báo chí về mục tiêu năm 2018.

Là con của SEA (Singapore), Shopee có mặt tại Việt Nam vào tháng 8/2016. So về tuổi thì khá non trẻ nhưng hiện thương hiệu này không ngại cạnh tranh với bất kỳ ai. Ngay trong tuần sau, một chiến dịch lễ hội mua sắm rầm rộ sẽ được tổ chức trong 3 ngày, cùng lúc với một số trang thương mại điện tử lớn khác. Ông Tuấn Anh tự tin cho biết về bộ sưu tập với hơn 111.000 sản phẩm được đảm bảo giá bán tốt nhất thị trường sẽ dành được sự chú ý của giới mua sắm online

Để truyền thông cho sự kiện, Shopee mạnh tay tiếp thị 360 độ, “cuộc chơi”  tốn kém chỉ dành cho giới “nhà giàu”, quảng cáo khắp môi trường online đến offline, từ Facebook đến TV. Sàn thương mại điện tử này cũng không ngại chi tiền mời Sơn Tùng làm đại sứ thương hiệu.

dai-gia-thuong-mai-dien-tu-singapore-tung-chieu-tong-luc-tai-viet-nam

Ông Tuấn Anh cho biết “át chủ bài” miễn phí giao hàng, miễn phí tiền thu hộ và không thu phí hoa hồng sẽ tiếp tục được dùng để cạnh tranh.

Trước đó, hồi tháng 10, SEA – công ty mẹ của Shopee đã IPO trên sàn chứng khoán New York. Đây là công ty công nghệ internet đầu tiên trong khu vực chào bán cổ phiếu trên NYSE. Với mạng lưới thương mại điện tử hoạt động tại 7 thị trường Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Singapore, doanh thu từ mảng này đang chiếm khoảng 70% doanh thu của SEA. Do đó, không lạ khi Shopee Việt Nam đang và sẽ có nhiều hoạt động hăng hái nhằm chiếm lĩnh thị phần.

“Chiến lược đầu tư của chúng tôi tại Việt Nam sẽ cụ thể hơn sau IPO. Nguồn lực mới giúp chúng tôi phát triển hệ sinh thái của thương mại điện tử bài bản hơn. Các vấn đề về mặt công nghệ, chiêu mộ nhân tài cũng được thúc đẩy”, ông Tuấn Anh cho biết.

Cách đây hơn một năm, khi đến Việt Nam, Shopee khiến các đơn vị khác phải một phen “điêu đứng” vì tung chiêu miễn phí giao hàng, miễn phí thu tiền hộ và không thu phí hoa hồng người bán. Dù không quảng cáo rầm rộ ở thời điểm đó nhưng chiến lược này đã thu hút được hàng trăm ngàn chủ shop trên Facebook sang mở shop trên Shopee.

Trả lời báo chí, ông Tuấn Anh xác nhận công ty chưa có kế hoạch thay đổi chính sách này. Thậm chí, trong một động thái gần đây, Lazada cũng phải quyết định giảm tiền hoa hồng cho nhà bán hàng và cân nhắc việc miễn phí giao hàng để tạo đối trọng.

Từ một ứng dụng C2C mua sắm trên di động là chính, nay Shopee còn phát triển thêm mảng B2C với một không gian riêng dành cho các thương hiệu lớn. Đại diện công ty cho biết đang định vị thành nền tảng thương mại điện tử mang tính xã hội, nơi khách hàng vào để giải trí, kết nối rồi mua sắm.

Để hiện thực hóa ý tưởng, ứng dụng đang được xây dựng các tính năng game để người chơi giải trí và săn phiếu giảm giá, tính năng theo dõi để các thành viên theo dõi bạn bè hay cửa hàng. Chính việc mời Sơn Tùng làm đại sứ thương hiệu cũng là một cách để câu kéo người hâm mộ vào tìm hiểu thần tượng đã mua sắm những gì thông qua tính năng theo dõi.

Khá tự tin và tham vọng, ông Tuấn Anh tỏ ra không ngại khi ngày càng có nhiều đại gia bán lẻ lấn sân sang thương mại điện tử như Thế Giới Di Động với VuiVui.com hay Lotte với Lotte.vn cũng như sự cạnh tranh khốc liệt khi nhiều đơn vị bỏ tiền ra làm chiến dịch thúc đẩy sức mua trực tuyến

“Tiềm năng của thương mại điện tử còn rất lớn. Càng có nhiều đơn vị tham gia càng tốt, càng nhiều tiền marketing chi ra càng hay. Mỗi đơn vị có cách làm khác nhau nhưng tựu trung người tiêu dùng nhờ vậy mà biết nhiều hơn về thương mại điện tử. Khi người tiêu dùng đã quen với mua hàng trên mạng thì tức là các đơn vị đã cùng nhau phá bỏ rào cản cho ngành này phát triển”, ông Tuấn Anh nhận định trong bối cảnh bình quân mỗi người mua hàng trên mạng Việt Nam hiện chỉ chi 170 USD một năm cho thương mại điện tử.

Viễn Thông

vnexpress

BÌNH LUẬN