Rượu có khả năng làm bỏng niêm mạc vùng miệng, niêm mạc thực quản, phá hủy tế bào gan, ảnh hưởng hệ thần kinh, suy giảm miễn dịch…

Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức, cho biết trong rượu có hàm lượng cồn rất cao. Khi uống, cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng là đường tiêu hóa. Theo các nghiên cứu khoa học, thức uống chứa cồn có tác động ức chế sự tạo thành chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Rượu còn kích thích tiết ra nhiều axit dịch vị tăng khả năng gây tổn thương niêm mạc dạ dày, từ đó gây đau vùng thượng vị, nóng rát, có khi âm ỉ, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn nhiều.

Cùng với đó, rượu có khả năng làm bỏng niêm mạc vùng miệng, bỏng niêm mạc thực quản, tăng nguy cơ bị các sẹo xơ ở niêm mạc. Đây chính là tiền đề sinh ra các tế bào lạ, dẫn tới ung thư, nhất là ung thư vòm miệng hoặc ung thư thực quản. “Càng rượu mạnh càng nguy hiểm”, bác sĩ nói.

Chỉ cần một vài phút sau khi vào cơ thể, rượu bắt đầu phá hủy tế bào gan. Gan là cơ quan quan trọng có tác dụng thu nhận chất dinh dưỡng từ ngoài vào, phân tích chất dinh dưỡng, tạo ra các chất dinh dưỡng xây dựng cơ thể cũng như thải loại các chất độc. Chỉ 10% lượng cồn đào thải qua đường mồ hôi, hơi thở, nước tiểu; còn 90% còn lại đi thẳng qua gan.

Toàn bộ lượng máu ở đường tiêu hóa đều sẽ phải đi qua gan trước khi về tim nên gan sẽ là nơi tập trung nồng độ cồn cao nhất. Xơ gan là một trong những nguy cơ lớn nhất gây ung thư gan. Với những người thường uống nhiều rượu, nghiện rượu thì có nguy cơ rất cao là gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan. Những bệnh trên có thể xảy ra cùng một lúc hoặc xuất hiện dần theo thời gian.

Đặc biệt, chất cồn và các độc tố khác từ rượu bia sẽ kích hoạt tế bào của gan, gây sản sinh quá mức các chất gây viêm tấn công, khiến chúng tổn thương và chết nhanh chóng. Nhiệm vụ chính của gan là giải độc cho cơ thể, nhưng khi tế bào gan bị hư tổn và chết nhiều sẽ khiến gan suy giảm khả năng giải độc. Các độc tố ứ đọng trong gan ngày một nhiều càng làm gan nhiễm độc nặng nề. Tình trạng nhiễm độc sẽ tăng dần và ảnh hưởng trên diện rộng, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm toàn cơ thể, tăng nguy cơ bị viêm tụy cấp và viêm tụy mạn…

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, người trưởng thành chỉ nên dùng một đơn vị bia rượu mỗi ngày (tương đương 270 ml bia hoặc 125 ml rượu vang, 25 ml rượu mạnh). Nếu uống rượu bia quá mức này được coi là lạm dụng và gây ra nhiều tác hại nguy hiểm, đặc biệt cho lá gan.

Lá gan của người n
Gan là một trong những cơ quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi rượu. Ảnh: Healthcare

Sau khi rượu vào gan, chỉ khoảng 10-15 phút sau toàn bộ tế bào não bị “ngâm” trong rượu. Từ đây, rượu phá hủy các đường dẫn truyền thần kinh, dẫn đến hiện tượng rối loạn cảm xúc và hành vi, giảm trí nhớ, các vấn đề sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, rượu có thể gây teo não. Bạn có thể bị tổn thương thần kinh kéo dài sau khi bạn đã tỉnh táo.

Rượu tác dụng lên não có thể khiến cho bạn buồn ngủ. Do đó bạn có thể ngủ gật dễ dàng hơn, điều này rất nguy hiểm khi uống rượu bia và tham gia giao thông. Tuy nhiên, bác sĩ Khánh cho biết thực tế giấc ngủ không thể ngon được, nhiều khả năng gặp ác mộng, vã mồ hôi khi ngủ. Bạn cũng có thể phải thức dậy thường xuyên hơn để đi vệ sinh.

Ngoài ra, rượu gây suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng. Những người nghiện rượu rất lười ăn cơm vì thường xuyên có cảm giác no. Về lâu về dài tạo ra no ảo, người gầy, hệ miễn dịch suy giảm. Cùng với đó, rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, bạn nên hạn chế uống rượu bia để làm giảm nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm do Covid-19.

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạn chế uống rượu, một quy tắc để giảm tối đa tác hại của rượu là tránh uống rượu khi đang đói. Uống rượu khi bụng “rỗng” làm chậm thời gian đào thải rượu và gây tổn hại cho gan.

Thúy Quỳnh

Theo vnexpress.net

BÌNH LUẬN