Ngay đầu năm 2020, đã có nhiều người đổ xô đi đăng ký học lái xe vì sợ học phí thi giấy phép lái xe ô tô hạng B1, B2 sẽ tăng cao ngất ngưởng, từ 20 đến 30 triệu đồng/khóa – gấp 2 lần so với năm trước. Tuy vậy, vẫn có trung tâm cam đoan giữ nguyên mức giá cũ.

Học viên sốt ruột đăng ký học vì sợ tăng giá

Ngay từ cuối tháng 2/2020, do nhiều thông tin đồn đoán trên mạng xã hội và tại các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe về thông tin học phí sẽ tăng cao thời gian tới, nhiều người đã sốt ruột đến đăng ký học, thi bằng lái.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, anh Nguyễn Hùng Quân, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Mới đây, tôi tìm đến một trung tâm đào tạo ở quận 3 thì họ cho biết học phí là 20 triệu đồng/khoá, dù rất cao nhưng tôi vẫn phải đóng vì sợ sắp tới sẽ còn tiếp tục tăng. Cách đây chừng vài tuần, chính trung tâm này báo giá một khoá là 15 triệu đồng”.

Lo lắng của người dân được cho là xuất phát từ Thông tư mới của bộ Giao thông Vận tải (số 38/2019/TT-BGTVT) “Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ”. Thông tư số 38 có hiệu lực từ 1/12/2019.

Tiêu dùng & Dư luận - 'Loạn' học phí lái xe vì nghe tin thất thiệt
Nhiều nơi đăng thông tin sẽ thay đổi để chiêu dụ người học. Ảnh chụp màn hình.

Để tìm hiểu rõ hơn tình hình thực tế, PV Người Đưa Tin đã liên hệ một số trung tâm/cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên địa bàn TP.HCM. Tại đây, ghi nhận của PV cho thấy, ngoài việc tăng giá học phí bất thường thì còn đó tình trạng quảng cáo và “chiêu sinh” lách luật.

Ngày 1/3, PV trong vai học viên tìm đến trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe Đồng Tiến (địa chỉ 355B Lê Quang Định, phường 5, quận Bình Thạnh, TP.HCM) để tham khảo khoá học và thi giấy phép lái xe ô tô (hạng B2), nhân viên trung tâm này cho biết: “Học phí trọn gói là 14,5 triệu đồng/khoá, bao gồm cả lý thuyết và thực hành trên xe Toyota Vios hoặc Hyundai I10, với 2 học viên/giáo viên”.

Mức giá trên không bao gồm các giờ học xe “chip” (xe gắn chip để học viên chạy thử trước khi thi sát hạch).

Trường Dạy lái xe ôtô Thành Công (địa chỉ 439 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) cũng báo mức học phí trên 15 triệu đồng/khoá B2, tuy nhiên nhân viên trung tâm này không quên đưa ra ưu đãi chào mời “nếu đến đăng ký sớm sẽ được giảm giá 1,5 triệu đồng”.

So với mức học phí được công bố công khai trên website của trường Dạy lái xe ôtô Thành Công, học phí khoá học lái xe hạng B2 chỉ là 7,9 triệu đồng/khoá, chưa bao gồm thực hành (từ 10-11 triệu đồng) và lệ phí thi.

Đồng thời, trường này còn ghi rõ: “Cam kết hoàn phí 200%, nếu phát sinh chi phí”.

Trong khi đó, một số trung tâm vẫn giữ nguyên mức thu như trước.

Trao đổi với PV, Giám đốc trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe TW3 (quận 12, TP.HCM) cho biết: “Học phí của trung tâm không hề thay đổi, ai tăng như thế nào thì tôi không biết, nhưng của trung tâm cơ bản vẫn giữ nguyên ở mức 8,5 triệu đồng/khoá đối với cả hạng B1 và B2”.

Người dân cần bình tĩnh

“Như phản ánh của PV thì việc tăng học phí và và sát hạch lái xe là có thật… nhưng phải xem xét lại là có ai đứng sau “đạo diễn” hay không. Bởi, khẳng định từ cơ quan chức năng thì chưa có quyết định nào liên quan đến vấn đề này.

Do đó, người dân nên bình tĩnh, quan sát và liên hệ đến các trung tâm/cơ sở đào tạo được cấp phép, thăm dò học phí và các khoản lệ phí để có được được sự so sánh, đối chiếu, từ đó đưa ra quyết định của mình”, ông Nguyễn Đình Trung, một giáo viên dạy lái xe ô tô ở quận Phú Nhuận chia sẻ.

Đồng quan điểm, Ths. Luật sư Hoàng Văn Thái (TP.HCM) cũng nhận định: “Không loại trừ một số trung tâm/cơ sở đào tạo lợi dụng thông tin trên để đẩy giá học phí lên cao, từ đó thu lợi bất chính.

Thêm vào đó, họ cũng đánh vào tâm lý đám đông của người dân về lo sợ rằng học phí sẽ lên cao… nên tranh thủ tăng giá. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc thanh kiểm tra, xử lý các cơ sở/đào tạo lợi dụng thông tin này để thu lợi bất chính”.

Tiêu dùng & Dư luận - 'Loạn' học phí lái xe vì nghe tin thất thiệt (Hình 2).
Thực tế, việc thu học phí và và các lệ phí liên quan hiện nay chưa có gì thay đổi, vẫn đang áp dụng như cũ.

Thực tế, theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, Thông tư 38 của bộ GTVT được ban hành nhằm siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX (sở Giao thông Vận tải TP.HCM) khẳng định: “Việc thu học phí và và các lệ phí liên quan hiện nay chưa có gì thay đổi, vẫn đang áp dụng như cũ, được quy định tại Thông tư liên tịch 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT.

Theo Thông tư liên tịch này, học phí học lái ôtô do các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới xây dựng và quyết định dựa trên nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, định mức về tiêu hao nhiên liệu, chi tiêu tài chính….

Đối với các cơ sở/trung tâm đào tạo tăng học phí thì phải thanh, kiểm tra mới biết và kết luận cơ sở nào sai, vi phạm như thế nào sẽ có hướng xử lý.

Còn theo đúng trình tự thì, khi người học đóng tiền phải có phiếu thu và ký hợp đồng với cơ sở đào tạo, có tư cách pháp nhân thì mới đúng quy định”, ông Quang cho biết thêm.

Dương Thanh Tùng

theo nguoiduatin.vn

BÌNH LUẬN