Với 25 triệu con heo còn lại sau dịch tả heo châu Phi, Thủ tướng cho rằng, hiện đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu và không có chuyện thiếu thịt.
Phát biểu tại hội nghị ngành nông nghiệp ngày 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, nông nghiệp Việt Nam đã có một năm vất vả, khó khăn. Ông đơn cử, ngành chăn nuôi phải đối diện với dịch tả heo châu Phi lớn nhất từ trước đến nay, nhưng chủ động quyết liệt trong phòng chống dịch nên “dịch bệnh cơ bản được khống chế, giảm tối đa thiệt hại”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại hơn 342.000 tấn thịt heo, hiện Việt Nam vẫn giữ được khoảng 25 triệu con heo, 109.000 con heo giống ông bà, cụ kỵ. Song song đó, các sản phẩm chăn nuôi khác như thịt gia cầm, thuỷ sản, gia súc lớn… đều tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo Thủ tướng, với 25 triệu con heo hiện đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu và không có chuyện thiếu thịt. Ngoài ra, giá thịt heo đã có xu hướng giảm, từ trên 90.000 đồng một kg thịt hơi, về mức 80.000 – 82.000 đồng một kg. Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm việc phao tin đồn thất thiệt để trục lợi từ vấn đề này.
“Còn 25 triệu con heo, không phải chúng ta không còn heo đâu mà cứ đưa giá lên. Ai ghìm giá, ghìm heo không cho xuất chuồng phải bị xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, lạm phát tâm lý rất quan trọng, nếu nói mãi thiếu thịt thì “tự nhiên lạm phát về tâm lý giá heo càng tăng cao”.
“Tôi khẳng định chúng ta không thiếu thịt heo nhiều đâu, cần thiết thì cho nhập mấy nghìn tấn nữa về để giảm giá heo xuống”, ông nói thêm.
Trong các báo cáo gần đây, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, cả nước sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn cho nhu cầu dịp cuối năm. Song gần đây, Bộ Công Thương lại cho rằng, có thể thiếu tới 300.000 tấn thịt. Bộ này cũng cho rằng, mất cân đối cung cầu cục bộ do dịch tả heo châu Phi đã đẩy giá tăng và có hiện tượng găm hàng, chờ giá lên cao mới xuất heo bán, ảnh hưởng tới thị trường.
Cũng tại hội nghị, nhắc tới mục tiêu năm 2020 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị cần phấn đấu để Việt Nam sớm trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực top đầu thế giới.
Theo kế hoạch, năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD. Đến năm 2025, mức tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình 3 – 3,5%; thêm 5 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên…
Để đạt mục tiêu này, ông yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường, mở rộng phát triển thị trường. Sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất trồng lúa. Sớm lấy lại thẻ xanh của EC về thủy sản, không để bị rút thẻ đỏ.
Anh Minh
theo vnexpress.net