Hợp đồng tương lai TPCP trên thị trường chứng khoán phái sinh, một số nước gọi là hợp đồng tương lai trên lãi suất, là thỏa thuận mua hoặc bán tài sản cơ sở, là trái phiếu Chính phủ tại một mức giá xác định trước tại thời điểm cụ thể trong tương lai. Hai bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng đó tại thời điểm đáo hạn.
HĐTL – TPCP đầu tiên trên thế giới ra mắt tại Mỹ từ năm 1975. Kể từ đó, HĐTL – TPCP đã trở thành sản phẩm phòng ngừa rủi ro quan trọng trên thị trường tài chính thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội FIA (Futures Industries Association), trong vòng gần 10 năm trở lại đây (2009 – 2018), số lượng HĐTL lãi suất được giao dịch khoảng trên 2,7 tỷ hợp đồng mỗi năm, năm 2018 số lượng HĐTL lãi suất được giao dịch là 3,6 tỷ hợp đồng, tăng 16% so với năm 2017.
Tại Việt Nam, theo Nghị định 42/2015/NĐ-CP ngày 5/5/2015 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh thì HĐTL – TPCP được định nghĩa là “hợp đồng tương lai dựa trên tài sản cơ sở là trái phiếu Chính phủ/hoặc trái phiếu giả định có một số đặc trưng cơ bản của trái phiếu Chính phủ”.
Một trong những cấu phần quan trọng nhất khi thiết kế HĐTL – TPCP có kỳ hạn 5 năm trên thị trường chứng khoán phái sinh là việc lựa chọn tài sản cơ sở để tạo ra sự kết nối giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh, giúp nhà đầu tư định giá HĐTL. Tài sản cơ sở đó có thể là một mã TPCP thực cụ thể đang lưu hành trên thị trường cơ sở, hoặc cũng có thể là một TPCP giả định có đầy đủ các đặc điểm cơ bản (loại trái phiếu, lãi suất danh nghĩa, kỳ hạn…).
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tất cả các thị trường CKPS trên thế giới có giao dịch HĐTL – TPCP (Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan…) đều sử dụng trái phiếu giả định là tài sản cơ sở. Trái phiếu giả định này sẽ đại diện cho xu hướng thị trường tại thời điểm sản phẩm được đưa ra giao dịch. Việc thanh toán được thực hiện bằng cách chuyển đổi các trái phiếu giả định sang các trái phiếu thực thông qua hệ số chuyển đổi tính cho ngày thanh toán cuối cùng (đối với trường hợp thanh toán theo phương thức chuyển giao vật chất) hoặc dựa trên giá bình quân của các trái phiếu trong rổ trái phiếu thanh toán (đối với trường hợp thanh toán theo phương thức thanh toán bằng tiền).
Trong bối cảnh thị trường CKPS Việt Nam, việc lựa chọn sử dụng trái phiếu giả định được cho là phù hợp: Thứ nhất, giao dịch HĐTL – TPCP là hoạt động phòng ngừa rủi ro, vì trên thực tế rất khó để tìm được trái phiếu thực có thể phòng ngừa rủi ro chính xác cho từng giao dịch, nên việc lựa chọn 01 trái phiếu thực đang lưu hành là không cần thiết. Thứ hai, việc sử dụng trái phiếu giả định đi kèm với một rổ trái phiếu thanh toán là nhằm hạn chế khả năng xảy ra tình trạng short squeeze đối với 01 trái phiếu cụ thể.
Sau khi nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về thị trường trái phiếu cơ sở kết hợp với kinh nghiệm quốc tế tại các thị trường CKPS phát triển trên thế giới, dựa trên ý kiến tham vấn của các thành viên thị trường, cơ quan quản lý thị trường đã thống nhất xây dựng sản phẩm HĐTL – TPCP 5 năm, có tài sản cơ sở là TPCP có kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5,0%/năm, trả lãi định kỳ 12 tháng/1 lần, trả gốc một lần khi đáo hạn. Tài sản cơ sở cho HĐTL – TPCP 5 năm được lựa chọn là trái phiếu Kho bạc Nhà nước phát hành, do trái phiếu này có tỷ lệ trúng thầu cao nhất, tính thanh khoản cao hơn so với các loại trái phiếu khác và phù hợp định hướng của Nghị quyết số 78/2014/NQ-QH ngày 11/10/2014 về phát hành TPCP có kỳ hạn 5 năm trở lên kể từ năm 2015. Ngoài ra, trái phiếu Kho bạc Nhà nước kỳ hạn 5 năm có khối lượng niêm yết lớn, tính thanh khoản cao hơn so với các loại trái phiếu khác.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trái phiếu giả định là trái phiếu không có thật. Tuy nhiên, trái phiếu Kho bạc Nhà nước phát hành được sử dụng làm tài sản cơ sở là trái phiếu giả định có kỳ hạn 5 năm có những đặc điểm tương tự như trái phiếu thật về lãi suất danh nghĩa, kỳ hạn, mệnh giá, trả lãi định kỳ… Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, thời gian đầu triển khai sản phẩm HĐTL – TPCP trên thị trường chứng khoán phái sinh, đối tượng giao dịch chỉ giới hạn trong phạm vi các nhà đầu tư tổ chức.