Quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra thí điểm với 10 ngân hàng thương mại (NHTM) cùng hạn chót thực hiện là trước năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã về đích, cho thấy nỗ lực của các ngân hàng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về quản trị rủi ro nhằm đảm bảo an toàn kinh doanh.

Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, 10 ngân hàng được NHNN chỉ định thực hiện áp dụng Basel II, gồm: Vietcombank,BIDV, MB,Vietinbank,Sacombank, ACB, Techcombank, VIB, VPBank và Maritime Bank.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng dù không trong danh sách thí điểm nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành Basel II để nâng cao hoạt động kinh doanh. Hiệp ước Basel II là chuẩn mực quốc tế mà hệ thống các NHTM Việt Nam từng bước áp dụng, nhằm tăng cường an toàn và hiệu quả hoạt động; sử dụng khái niệm “3 trụ cột” bao gồm: Yêu cầu vốn tối thiểu, giám sát của cơ quan quản lý và công bố thông tin trong quản trị ngân hàng. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Basel II là đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu ít nhất là 8%.

basel ii nhieu ngan hang ve dich truoc han
VPBank chính thức được áp dụng tiêu chuẩn Basel II

Cuối năm 2018, Vietcombank và VIB là hai ngân hàng đầu tiên hoàn thành tiêu chí này. Bước sang quý II/2019, hàng loạt các ngân hàng công bố về đích sớm trong lộ trình thực hiện Basel II, với thời điểm thực hiện từ 1/5/2019. Thực tế, để đạt được chỉ tiêu này, các NHTM đã chủ động nghiên cứu, thực thi Basel II, tham gia tích cực các nội dung của NHNN và cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng như tính toán tác động định lượng, thực hiện báo cáo định kỳ triển khai Basel II, tham gia tích cực các chương trình đào tạo do NHNN và các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp tổ chức trong một thời gian dài. Đơn cử như tại MB, mô hình, công cụ đo lường rủi ro được xây dựng đồng bộ cho các rủi ro trọng yếu. Theo đại diện MB, quản trị rủi ro vượt trội luôn là nền tảng trọng yếu ở các giai đoạn chiến lược và cũng là chuyển dịch rất quan trọng trong nhóm 4 chuyển dịch chiến lược của MB giai đoạn 2017-2021 mà trong đó, triển khai và ứng dụng Basel II là cốt lõi.

Đối với TPBank, theo Tổng giám đốc Nguyễn Hưng, để đạt được thành công này, ngân hàng đã chủ động nghiên cứu, thực thi Basel II, tham gia tích cực các nội dung của NHNN và cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai cho các ngân hàng thực thi Basel II, tham gia tích cực các chương trình đào tạo do NHNN và các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp tổ chức trong suốt 3 năm.

Tại VPBank, việc triển khai Basel II thay vì thuê đơn vị tư vấn bên ngoài thì ngân hàng này đã tự xây dựng một đội ngũ với 58 nhân sự toàn thời gian để thực hiện. Trong 4 năm qua, đã có 82 tiểu dự án liên quan tới Basel II, 28 khóa đào tạo và 15 mô hình đo lường rủi ro được triển khai.

Theo đánh giá của lãnh đạo ngân hàng này, một trong những thách thức mà nhiều ngân hàng gặp phải khi triển khai Basel II đó là đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu. Ở khía cạnh này, VPBank đáp ứng rất tốt trong những năm qua, tỷ lệ an toàn vốn luôn cao hơn nhiều so với quy định. Tỷ lệ an toàn vốn chỉ là một điều kiện buộc phải tuân theo, lợi ích lớn hơn ngân hàng có được khi hoàn toàn tuân thủ Basel II là áp dụng những tiêu chuẩn đó vào hoạt động kinh doanh. Đi cùng với đó là mô hình quản trị rủi ro với ba vòng bảo vệ.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: Việc về đích trước thời hạn đã đánh dấu các nỗ lực của ngành ngân hàng trong thời gian qua và là cột mốc ghi nhận bước phát triển quan trọng trong áp dụng chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam. NHNN luôn ủng hộ, hỗ trợ, đồng hành cùng các ngân hàng, quyết tâm đưa hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh hiệu quả, bám sát các chuẩn mực quốc tế.

Thùy Linh

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN