Năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cùng với xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Mỹ, khiến thị trường tài chính toàn cầu có những diễn biến khó lường và rủi ro gia tăng. Trong đó, thị trường chứng khoán và dầu mỏ giảm sốc, nhiều thị trường chứng khoán giảm hơn 20% và được giới đầu tư coi như rơi vào “thị trường con gấu”.
Nhà đầu tư bước vào năm 2019 với một tâm thế khá bi quan và đẩy sự cẩn trọng lên hàng đầu. Phía trước vẫn là đám mây mù với hàng loạt yếu tố có thể khiến thị trường toàn cầu tiếp tục chao đảo. Trong đó, đáng chú ý là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, địa vị toàn cầu của các cường quốc, chính sách thắt chặt tiền tệ và xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, khả năng suy giảm của kinh tế toàn cầu, bao gồm các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Ý.
Lựa chọn kênh đầu tư nào cho năm 2019 thực sự là vấn đề khó khăn. Với nhiều người, tiêu chí được đặt lên hàng đầu không hẳn là khả năng sinh lời bao nhiêu, mà là hiệu quả, vừa bảo toàn vốn, vừa có một tỷ suất sinh lời vừa phải.
Trái phiếu: Lợi suất có thể tăng
Năm 2019, kênh trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, sẽ có nhiều cơ hội đầu tư, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi dòng tín dụng ngân hàng bị kiểm soát chặt chẽ. Cơ chế mới về trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP cộng với chủ trương thắt chặt tín dụng ngân hàng (mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 14%, thay vì 17% như các năm trước) sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nỗ lực phát hành trái phiếu và đó là cơ hội đầu tư không nhỏ.
Dự báo, trong năm nay, tỷ suất sinh lời của nhiều trái phiếu doanh nghiệp có thể đạt 15%. Tuy nhiên, đây không phải cuộc chơi với đa số nhà đầu tư cá nhân, vì yêu cầu vốn đầu tư lớn. Nhà đầu tư ít vốn muốn tham gia có thể tìm đến các quỹ đầu tư trái phiếu.
Thị trường cổ phiếu: Nhiều nhóm ngành hấp dẫn
Đối với thị trường cổ phiếu, sau năm 2018 biến động mạnh, nhà đầu tư có tâm lý thận trọng, nhưng năm nay rất có thể sẽ có những đợt sóng tăng hấp dẫn.
VN-Index thời điểm cuối năm 2018 giảm 9,3% so với đầu năm và giảm khoảng 26% so với đỉnh. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trung bình của các doanh nghiệp ước đạt trên 20%. Không ít doanh nghiệp công bố lãi vượt bậc, với mức tăng hơn 50%.
Sự dịch chuyển mạnh của dòng tiền trên thế giới do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất là nguyên nhân cơ bản khiến thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm qua chao đảo. Hoạt động bán tháo diễn ra khắp nơi và thị trường Việt Nam bị tác động không nhỏ. Nhà đầu tư lo lắng, dòng tiền đầu tư co hẹp, dù các nhà điều hành chính sách nhìn nhận viễn cảnh tươi sáng phía trước và có tín hiệu thay đổi chính sách theo hướng tích cực.
Thế giới năm 2019 được nhận định sẽ không yên ả, thị trường chứng khoán có thể biến động mạnh bởi nhiều yếu tố. Nhưng trong nguy có cơ và Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự bất ổn này.
Chẳng hạn, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dự kiến sẽ kéo dài, khiến dòng vốn FDI có xu hướng dịch chuyển nhanh và mạnh hơn kể từ năm 2019. Việt Nam đang nổi lên thành điểm sáng thu hút dòng vốn ngoại với lợi thế về cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút FDI của Nhà nước và lợi thế nhân công.
Điều này giúp cho ngành bất động sản khu công nghiệp, logistic và cảng biển trở nên hấp dẫn. Có khá nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này có xu hướng tăng giá và thu hút dòng tiền trong thời gian qua như KBC, LHG, GMD, VSC…
Một số ngành khác hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là chăn nuôi lợn và thủy sản, chủ yếu là cá tra. Ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam sau gần 2 năm “tê liệt” hiện đã phục hồi. Cụ thể, đáp trả việc Mỹ áp thuế, Trung Quốc áp thuế mạnh tay với thịt lợn và đậu tương của Mỹ, khiến ngành chăn nuôi của Trung Quốc gặp khó khăn.
Do đó, thương lái chuyển sang Việt Nam thu mua với số lượng lớn, đẩy giá thịt lợn hơi tăng cao, nhất là trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Đáng chú ý, dịch tả châu Phi đang hoành hành tại Trung Quốc, dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu thu mua lợn của thương lái Trung Quốc. Tương tự, giá đậu tương của Mỹ chịu áp lực thuế giúp ngành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam có cơ hội phát triển.
Ngành cá tra cũng bất ngờ tăng trưởng mạnh sau khi Mỹ áp thuế 10% với cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc và dự kiến sẽ nâng thuế lên 25%. Điều này khiến người nuôi cá rô phi Trung Quốc giảm sản lượng và đã có những nhà máy chế biến phải đóng cửa.
Thực tế, lượng cá rô phi mà Mỹ nhập khẩu rất lớn và sự thiếu hụt này đã được người mua chuyển dần sang cá tra của Việt Nam. Giá bán tại Mỹ được đẩy lên mức cao, gần 5 USD/kg, giúp kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2018 đạt khoảng 2,2 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra. Nhiều doanh nghiệp ngành này thu lợi nhuận lớn, trong đó có Vĩnh Hoàn (VHC), Cửu Long An Giang (ACL), Nam Việt (ANV)…
Trung Quốc đang triển khai kế hoạch nuôi cá tra, nhưng khó có thể thành công như cá rô phi. Trong khi đó, nhu cầu cá tra tại Trung Quốc rất lớn và dự báo còn tăng trong nhiều năm tới, nên cơ hội xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này nhiều khả năng duy trì ở mức cao.
Năm 2019 được dự báo sẽ xảy ra hiện tượng El Nino và mưa ít, nắng nóng kéo dài hơn, giúp ngành nhiệt điện (điện than, điện khí) tăng trưởng, do thủy điện giảm sút. Ngành cao su tự nhiên và mía đường cũng có thêm cơ hội.
Trong đó, với ngành mía đường, năm 2018, El Nino diễn ra tại Nam Mỹ, cộng với giá đậu tương Braxin tăng mạnh do Trung Quốc thay đổi nguồn nhập khẩu, nhiều nông dân Braxin đã phá bỏ cây mía để trồng đậu tương.
Bên cạnh đó, giá đường thấp thúc đẩy nông dân, nhà sản xuất ở 2 cường quốc sản xuất đường là Braxin và Thái Lan tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Do đó, dự kiến giá đường trong năm 2019 sẽ tăng. Mặc dù vậy, ngành đường Việt Nam đang trong quá trình tự chuyển hóa nên sẽ không có nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi. QNS và SBT là 2 doanh nghiệp đáng chú ý nhờ chiến lược đầu tư bài bản.
Nhiều doanh nghiệp ngành khác dù không hẳn sẽ có lợi thế về ngành như trên, nhưng việc cổ phiếu bị bán tháo mạnh trong thời gian qua đã giúp mức định giá trở nên hấp dẫn. Đây là những cổ phiếu đáng để đầu tư dài hạn, nhất là khi doanh nghiệp có vị trí trong ngành và tiềm năng tăng trưởng.
Ngành ngân hàng có thể là đích nhắm đầu tiên với mục tiêu này, mặc dù có không ít báo cáo nêu ra các khó khăn trong năm 2019 như kịch bản lãi suất tăng, tín dụng giảm, nợ xấu gia tăng, áp dụng Basel II…
Đây là một trong những ngành mà nhà đầu tư dài hạn nên có trong danh mục, đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tích cực. Ngân hàng là ngành chu kỳ và có xu hướng cùng chiều với nền kinh tế, nên cơ hội vẫn còn rất lớn. Nhiều quỹ đầu tư đã và đang gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục.
Kỳ vọng VN-Index vượt mốc 1.000 điểm
Không ít ngành có thể gặp khó khăn trong năm 2019, ví dụ bất động sản hay vật liệu xây dựng, trong đó có sắt, thép; ngành thủy điện với dự báo mưa ít; ngành săm lốp với dự báo giá cao su tự nhiên tăng mạnh…
Nhà đầu tư cần phân tích, tham khảo và tìm kiếm các thông tin trước khi đầu tư. Những doanh nghiệp đủ lớn, có sức mạnh tài chính sẽ sớm vượt qua khó khăn và mang đến phần thưởng cho nhà đầu tư đủ kiên trì.
Năm 2019, dù được nhận định có không ít khó khăn, nhưng thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ có những sóng tăng, hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo chu kỳ thường thấy, sóng tăng thường hình thành trong giai đoạn quý I và kéo sang quý II. Có thể, năm 2019, điều này một lần nữa sẽ diễn ra và những nhà đầu tư có chiến lược giao dịch ngắn hạn cần lưu tâm. Những nhóm ngành hưởng lợi nêu trên dự báo sẽ sớm thu hút dòng tiền. VN-Index có thể vượt mốc 1.000 điểm và tiệm cận mốc 1.100 điểm.
Theo Congthuong.vn