Mùa nắng nóng không chừa một ai, khộng né chỗ nào, và việc xây nhà lâu nay cũng luôn phải đặt vấn đề giảm nhiệt cho không gian sống lên hàng đầu. Một trong những cách giảm hỏa hữu hiệu là dùng thủy, mà xứ nhiệt đới luôn có nhiều kinh nghiệm phong phú.
Vấn đề là trong đô thị ngày càng hiện đại hơn, hạ nhiệt nhờ nước cũng có không ít biến đổi khác với vùng nông thôn nhiều cây xanh và sông rạch, mà Singapore là một ví dụ sống động cho câu chuyện xứ đô thị hiếm nước biết dùng nước để giảm nóng sao cho hiệu quả.
Ở nơi mà nước tính từng lít, phải mua của láng giềng như đảo quốc này thì chẳng bao giờ thấy chuyện nước chảy lãng phí, rửa xe tràn lan hay tưới cây thoải mái. Vấn đề ở chỗ, họ hiếm nước như vậy mà đến đâu cũng thấy nước tuôn trào sạch, đẹp, nước giúp cho các không gian trở nên mát mẻ dào dạt hơn… quả là những ví dụ nên tham khảo học hỏi.
Từ biểu tượng sư tử há miệng phun nước bên bờ Vịnh Marina, đến thác nước tràn trề trong sảnh sân bay Changi Terminal 2, khách mới ghé chơi xứ Sing đều tự nhủ: nước hiếm mà để chảy thoải mái quá ha!
Rồi khách đi đây đi đó mới nhận ra thêm: họ đặt hồ nước, lu nước, mương nước… tại các vị trí đắc địa, xứng danh là dân chuộng phong thủy qua biểu tượng thủy tụ, thủy luân, thủy tràn. Họ làm vườn thú hay công viên nước để khách móc đến đồng xu cuối cùng trả cho các dịch vụ tiện ích của họ. Khách trả càng nhiều thì họ càng có kinh phí để chăm chút và nâng cấp dịch vụ, đồng thời “lùa” khách học cách xài nước siêu tiết kiệm trong khách sạn, nhà ở, vệ sinh công cộng… khiến thiên hạ phải tấm tắc: nước hiếm nên giữ kỹ ghê!
Vốn là dân sinh ra từ quê miệt sông nước, ta không khỏi quá quen với nước khi nhà mình nằm bên nước, dư nước, xả nước khá vô tư. Thói đời cái gì quen quá hóa thường, xem chuyện nước là chuyện của… nhà nước, ba giọt nước rơi rớt làm gì mà ầm ĩ! Nhưng có đi ngày đàng mới thấy cả sàng khôn của thiên hạ, như ta khi lớn lên qua Sing làm việc vài năm, đến đâu cũng phải gật gù công nhận: xứ họ xem nước là tài lộc, bỏ ra một vốn bốn lời khá khôn ngoan, không phải chỉ ở chỗ có mấy hồ nước phong thủy. Ví dụ như, họ chừa lề đường vừa đủ rộng để 2 người đi bộ, còn lại là cỏ và cây, mương thu nước và rải sỏi các kiểu, nên khi nắng gắt phả xuống là bề mặt nhiều lớp ” mềm” ấy không tích nhiệt, đồng thời nếu có mưa thì sẽ hút và thấm nước ngay, vừa giảm tải cho hệ thống cống thoát, vừa mau khô ráo, vừa tăng mảng xanh. Cách làm này từng chỗ khác nhau có gia giảm, trên mái khác dưới sân, ngoài cao tốc khác đường nội khu, nhưng giống nhau là luôn sạch sẽ bề mặt và mát mẻ, không khi nào đọng nước chứ đừng nói đến ngập.
Lại ví dụ thêm, họ dùng công nghệ trồng cây trên tường cao, thác nước chảy xuống ào ào (dĩ nhiên là bơm tuần hoàn, nước không hao phí), trưng bày mấy khối thạch nhũ nho nhỏ, rồi bán vé cho khách thập phương vô coi. Ta đi vòng vòng trên cầu chót vót ngắm núi cây nhân tạo, lòng tự nhủ xứ mình có thác thứ thiệt xinh đẹp gấp trăm, có hang động hùng vĩ gấp ngàn lần mấy đồ nhân tạo ở đây, mà sao cứ mỗi năm lại thấy “đồ thiệt” của mình thêm nhếch nhác vậy ta, thà đừng khai thác còn hơn…
Bến sông Singapore, nơi kết nối các thế hệ bên một dòng nước.
Ngay cả cái nhà máy xử lí nước thải thành nước “siêu tinh khiết” (người Sing gọi là Newater) sạch vượt cả tiêu chuẩn nước uống được, họ cũng mở cửa cho khách tham quan coi quy trình ra sao, ngắm cá kiểng to bự bơi lội tung tăng thế nào… Từ đó họ vừa gián tiếp giáo dục nâng cao lòng “yêu nước” của dân chúng từ tấm bé, vừa trực tiếp ban hành các loại thuế sử dụng nước với cách tính phí sử dụng đúng và đủ khiến mọi người xài nước phải tâm phục khẩu phục (*).
Còn nhiều ví dụ sống động nữa, mà cứ mỗi khi mùa nóng đến thì lại ngồi thèm có mặt nước mát rượi tràn trề chảy quanh, bạn bè gặp nhau chút ít cũng quay sang bàn việc… nước, rồi gợi nhắc nước người nước ta, ngẫm ra không ít vui buồn. Hạ nhiệt nhờ nước chính là cách xài nước khôn ngoan, xứ sông nước như mình sao không mau chóng học hỏi nhỉ.
( * ) Nhu cầu nước hàng ngày của Singapore vào khoảng 1,6 triệu mét khối (con số này của TP.HCM là 2,5 triệu mét khối) được cung cấp từ bốn nguồn mà người Singapore gọi là “bốn vòi nước quốc gia” (four national water taps), gồm nước nhập từ Malaysia (1), nước từ các khu vực thu nước thiên nhiên (2), nước tinh khiết lọc từ nước thải gọi là Newater (3), và nước lọc từ nước biển (4).
Con số từ PUB (cơ quan nước quốc gia Sing) cho thấy cụ thể, 1: nước nhập từ bang Johor (Malaysia) hiện cung cấp khoảng một phần ba nhu cầu nước của Singapore. Chính phủ thuê đất xây đập ở Sungei Linggiu để xử lý nước sông Johor và trả tiền hàng năm cho Malaysia; 2: Thiết kế hạ tầng và sử dụng đất Singapore bắt buộc kèm theo các khu vực thu nước thiên nhiên với hệ thống ống dẫn riêng biệt tách khỏi hệ thống nước thải. Với 16 hồ chứa nước ngọt tính đến năm 2010, diện tích khu vực thu nước tự nhiên chiếm đến hai phần ba diện tích Singapore; 3: Nhà máy xử lý nước “đã qua sử dụng” sản xuất ra chai nước tinh khiết đầu tiên vào tháng 7 năm 2002, đến năm 2020 dự kiến đáp ứng 75 % nhu cầu tiêu thụ nước toàn quốc; 4: Nhà máy lọc nước biển Singspring lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với công suất 136.000 m3 mỗi ngày, tức là gần 10% nhu cầu nước của đảo quốc này với vốn đầu tư khoảng 200 triệu đô la Singapore.
BÀI: KTS HUÂN TÚ
ẢNH: THÁI KHƯƠNG
Theo tcnhadep