Ba năm nay chị Tiểu Phương rèn thói quen đi ngủ lúc 19h30 để thức dậy vào 2h30 sáng hôm sau chuẩn bị chạy bộ.
Chị Phương “huấn luyện” cơ thể theo giờ sinh học từ nhiều năm nay. Chị ngủ sớm lúc 7h30 tối để dậy sớm 2h30 và 3h sáng đã chạy bộ. Ngày làm huấn luyện viên thể hình của chị ở phòng tập bắt đầu lúc 6h30 sáng.
Tuổi U50, chị Phương vẫn thích chinh phục những thử thách trên các cung đường chạy bộ. Tháng 9 vừa qua, chị là một trong số ít nữ vận động viên vượt qua 106 km trên cung đường nhiều đỉnh núi hiểm trở ở Hoàng Liên Sơn trong giải Vietnam Moutain Marathon ở Sapa. Cuộc đua này năm nay có hơn 65% vận động viên ở 54 quốc gia không hoàn thành được cự ly 106 km do thời tiết quá nóng.
Để về đích thành công, suốt một tháng trước khi chạy chị áp dụng cách huấn luyện cơ thể theo giờ xuất phát về đêm của giải Vietnam Moutain Marathon. Giờ xuất phát “oái oăm” khiến vận động viên chạy khi chưa tỉnh táo, nhiều người vừa chạy vừa ngủ gục. Thế là, chị đảo lại giờ sinh học của mình bằng cách đi ngủ vào 16h và dậy lúc 22h30 rồi chạy bộ giữa khuya khi mọi người bắt đầu đi ngủ.
Vài đêm đầu tập thói quen ngủ “ngược”, chị bị chóng mặt, xây xẩm, buồn ngủ. Qua đêm thứ năm, cơ thể bắt đầu thích nghi nên chị vào cuộc đua hoàn toàn tỉnh táo, giống như giờ sinh hoạt bình thường và không gặp bất cứ trắc trở nào trên đường chạy.
Bức tường đầy màu sắc của những số báo danh (Bib) chạy là gia tài mà chị Phương nâng niu như kho báu. Mỗi Bib gợi nhớ dư vị ngọt ngào của chiến thắng, những giọt mồ hôi tập luyện hay cảm xúc chinh phục những cung đường.
Chị tự nhận xuất phát điểm của mình khiêm tốn khi chỉ chạy bộ như bài tập cardio và ít khi nào chạy quá 3-4 km. Mỗi ngày chạy vài cây số, chị nuôi mơ ước chinh phục cuộc đua 21 km. Nền tảng thể lực tốt nhờ những năm tập thể dục giúp tim chị khỏe để theo những bài tập chạy biến tốc theo giáo trình hay những buổi chạy dài cuối tuần. Chị chinh phục hai giải Half Marathon đầu tiên với thành tích khá tốt 2 giờ 06 phút tại Đà Nẵng và một giờ 49 phút tại giải chạy Rock and Roll (Mỹ).
Thừa thắng, chị chạy cự ly 42 km và chinh phục hàng loạt giải chạy. Chị Phương nhớ lại giai đoạn chạy trong khi các nhóm cơ chân đùi chưa tập đủ để thích nghi nên gặp chấn thương đầu gối, cổ chân liên tục. Dù vậy chị vẫn kiên trì bám đường chạy trong 2 năm nên hầu như chân không bao giờ hồi phục hoàn toàn, hết đau chỗ này lại đến chỗ khác, có lúc phải “bó gối nằm nhà” 4 tháng không chạy. Sau đó chị rút kinh nghiệm nên chạy bền bỉ hơn và an toàn hơn.
Chị Phương chinh phục các giải chạy thử thách nhất Việt Nam. |
Chị Phương đặt mục tiêu trở thành người sưu tập nhiều medal các giải chạy nhất Việt Nam. Ước mơ đó thành hiện thực qua 5 năm chạy ghi thành tích ở hầu hết các giải từ đường road đến trail, thi 3 môn phối hợp giải IronMan cho đến chạy leo cầu thang Bitexco 52 tầng.
Theo nữ huấn luyện viên, các bạn nữ ngại chạy bộ bởi sợ da đen, xấu và chân to. Theo chị đây là lầm tưởng phổ biến. “Nếu bạn chạy đủ số km, tức chạy dài để cơ thể đốt mỡ thì phần đùi sẽ tự động thon gọn”, chị Phương nói. Những người chạy bộ đều sở hữu chân thon, săn chắc.
“Bạn không thể chỉ chạy 2 km, uống trà sữa mỗi ngày và mong chân thon gọn, tất cả đều cần quá trình tập luyện nghiêm túc 4-6 tháng mới có kết quả”, chị Phương cho biết.
Người phụ nữ thích chinh phục những nỗi sợ của bản thân. Chị sợ bơi, nhất là bơi cự ly 1,9 km ở 3 môn phối hợp. Chị sợ không vượt qua được thử thách trên biển, sợ chết và sợ để lại đứa con trai một mình trên đời. Thậm chí, trước khi vào giải đua, chị viết thư để lại cho con trai dặn dò phòng khi mẹ gặp trường hợp xấu nhất giữa biển.
Chị Phương trước phần thi bơi tại giải IronMan ở Đà Nẵng. |
Theo chị Phương, khi chạy đường dài, não bộ và tinh thần quyết định 50% thành tích, phần còn lại do hệ cơ xương khớp và thể lực. Nếu bạn muốn chinh phục một đường chạy, không có “lối tắt nào” ngoài việc cố gắng bám sát kế hoạch, hy sinh những buổi tụ tập bạn bè để tập.