Nhiều đơn vị phân phối huy động vốn của nhà đầu tư khi dự án chưa có hàng, thậm chí chưa đủ điều kiện mở bán.
Anh Minh (Đống Đa) muốn mua vài lô liền kề ở dự án được giới thiệu một tháng trước tại Hà Nội. Tuy nhiên, anh cho biết, nhiều đơn vị phân phối đã mời anh đặt cọc để chắc chắn có suất khi sản phẩm này ra hàng.
“Họ yêu cầu đặt cọc 300-500 triệu đồng cho một suất ở vị trí kỳ vọng. Nếu không được vị trí đó có thể được chọn một lô khác trong cùng khu”, anh Minh kể. Tuy nhiên, anh cho biết, việc đặt cọc được thực hiện tại sàn giao dịch chứ không phải trực tiếp với chủ đầu tư. “Họ nói tiền cọc đó không nhận qua chuyển khoản mà hai bên gặp gỡ trực tiếp rồi giao tiền vì ‘đây là suất ngoại giao'”, anh Minh kể lại.
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư dự án này khẳng định mới mở bán những toà nhà cao tầng. Hiện phần thấp tầng mới công bố có thông tin sơ bộ quy hoạch, diện tích. Còn về phần giá, chính sách bán hàng cũng như thời điểm mở bán của những lô nhà phố thương mại, liền kề đều chưa có thông tin chính xác.
Một dự án được bán dưới dạng hợp đồng góp vốn từ nhiều năm trước mà đến nay vẫn dở dang. Ảnh: Nguyễn Hà |
Hoa, nhân viên kinh doanh một sàn bất động sản cho biết, dù chưa có thông tin chính xác song nhà đầu tư có thể đặt cọc 300 triệu cho suất mua một lô liền kề tại dự án ở Long Biên. Tuy nhiên, khi hỏi về bảng hàng, giá bán cũng như những thông tin của dự án thì chị Hoa chỉ nêu được những thông tin rất sơ sài. Hình ảnh vị trí các phân khu cũng được vẽ, phối màu thiếu chuyên nghiệp.
“Đây là hình ảnh do chúng tôi tự vẽ để khách hàng dễ hình dung, không phải phối cảnh chính thức của chủ đầu tư. Tuy nhiên, quy hoạch cụ thể của chủ đầu tư về vị trí các lô trong dự án sẽ không khác”, chị Hoa cam đoan. Chị cho rằng dự án rất hút khách nên có thể lúc mở bán không còn lô đẹp.
Tại dự án liền kề Happy Land (Đông Anh) quy mô 7,5 ha với khoảng 350 lô liền kề, một số sàn phân phối dự án cũng đang thông báo chính sách huy động vốn với giá khoảng 1,7 tỷ đồng mỗi lô diện tích 70m2.
“Chúng tôi đã được chủ đầu tư cho phép bán hàng. Do đó, đội ngũ kinh doanh phải chạy các hình thức quảng cáo, marketing để gom khách từ bây giờ. Ai đặt cọc ngay sẽ được ưu tiên”, trưởng phòng kinh doanh sàn phân phối dự án này cho hay. Tuy nhiên, ở dự án này, khách có thể nộp tiền đặt cọc vào tài khoản của chủ đầu tư hoặc đơn vị phân phối, cũng có thể chọn hình thức ký hợp đồng với chủ đầu tư hoặc với sàn.
Không chỉ ở Hà Nội, tại một số dự án ở các tỉnh lẻ như Vĩnh Phúc (dự án TMS Grand City), Bắc Ninh (dự án Him Lam Vạn An)… cũng xảy ra tình trạng các sàn phân phối quảng cáo rao bán các lô đất và huy động vốn. Tuy nhiên, ở một số dự án, kể cả khi các chủ đầu tư chưa chính thức đặt xong tên dự án, những thông tin rao bán, huy động vốn đã tràn lan trên các kênh, công cụ quảng cáo. Các đơn vị rao bán đều “dụ” nhà đầu tư đặt cọc số tiền lớn, trên 100 triệu đồng đối với mỗi suất mua.
Đại diện chủ đầu tư dự án Him Lam Vạn An gần đây đã phải lên tiếng khẳng định chưa xong hạ tầng kỹ thuật nên chưa đủ điều kiện mở bán. Họ cũng khẳng định chưa liên kết hoặc ủy quyền với bất kỳ đơn vị nào để bán các lô đất trong dự án, đồng thời khẳng định đây là hành động mạo danh, trái pháp luật.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, việc các sàn huy động vốn của nhà đầu tư dưới dạng hợp đồng góp vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho thị trường cũng như khách hàng. Dưới góc độ thị trường, theo ông Châu, giá cả, thanh khoản có thể là những số liệu không chính xác, gây nhiễu loạn. Trong khi đó, với người mua, việc chi hàng trăm triệu để đặt cọc lô đất có thể gặp những đơn vị lừa đảo, lợi dụng vốn mà vẫn không có được suất mua của chủ đầu tư. Những câu chuyện này theo ông xảy ra rất nhiều trong quá khứ và từng là bài học đắt giá với nhiều nhà đầu tư.
Do đó, ông Châu khuyến nghị, cơ quan quản lý cần có những biện pháp để kiểm soát. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng cần cảnh giác, tỉnh táo với những giao dịch chứa đựng nhiều rủi ro như vậy.