Việc bố mẹ ‘đánh chừa’ cái bàn, chiếc ghế ‘làm con đau’ sẽ khiến bé hình thành thói quen đổ lỗi, không nhận sai, luôn trách móc ngoại cảnh.

Chị Triệu Nguyễn Huyền Trang, 23 tuổi, yêu thích cuộc sống của “mẹ bỉm sữa” và dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức nuôi dạy con. Theo chị Trang, nhiều bậc phụ huynh gặp khó khăn trong quá trình rèn giũa con bởi chính những sai lầm họ thường xuyên mắc phải. Rất nhiều tính xấu của bé được hình thành do sự chiều chuộng thái quá hay thói quen “cưng con như trứng mỏng” của bố mẹ.

Chị Triệu Nguyễn Huyền Trang, 23 tuổi, yêu thích cuộc sống của mẹ bỉm sữa, thường dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức nuôi dạy con.

Chị Huyền Trang và con trai.

1. Cưng nựng con bằng những từ… không có trong từ điển

Chị Trang từng gặp nhiều gia đình đặt ra tiêu chuẩn khắt khe khi tìm người trông trẻ như không nói ngọng, không nói giọng địa phương nhưng khi giao tiếp với bé lại sử dụng ngôn từ khó hiểu: “con tó”, “con nợn”, “đi tơi”… Trong quá trình tìm hiểu tài liệu nuôi dạy con, chị được biết bé rất dễ nói sai theo người lớn, nhất là những từ được nghe đi, nghe lại nhiều lần. Để bé phát triển ngôn ngữ tốt, hình thành cách phát âm chuẩn, bố mẹ nên nói chuyện với con tròn vành rõ chữ. Hãy giao tiếp với bé như một người bình thường, đừng cưng nựng bằng cách nói ngọng, nói trại.

2. “Xin lỗi” và “đánh chừa”

“Mẹ xin” là câu cửa miệng của nhiều bà mẹ Việt mỗi khi con khóc hoặc bắt đầu có thái độ tiêu cực. Hơn thế nữa, một số nhanh tay “đánh chừa” cái bàn, chiếc ghế “làm con đau” dù bé tự chạy nhảy và vấp ngã. Hành động dỗ dành này của bố mẹ khiến bé có xu hướng ăn vạ nhiều hơn. Lâu dần, trẻ hình thành thói quen đổ lỗi, không nhận sai và luôn luôn trách móc ngoại cảnh.

Trong trường hợp mẹ có lỗi như bấm móng quá sâu khiến con đau, sơ ý để bé ngã… lời xin lỗi là thực sự cần thiết. Nhưng khi con gắt ngủ hoặc va đầu do nghịch ngợm, bố mẹ không có nghĩa vụ thể hiện sự ân hận. “Con nín đi, có mẹ ở đây, mẹ sẽ giúp con cảm thấy dễ chịu hơn” – là điều phụ huynh nên nói. Bố mẹ cần hạn chế nói lời xin lỗi không đúng chỗ để trẻ nhận thức chuẩn hơn về vấn đề lỗi do ai và cần hành xử thế nào cho hợp lý trong các hoàn cảnh tương tự.

3. Bế quá nhiều và mọi lúc, mọi nơi

Chị Huyền Trang cho rằng trẻ mới sinh hay giật mình nên khó ngủ ngon giấc. Nhiều gia đình phải thay nhau bồng bế bé; một số bà mẹ stress, đau mỏi cơ thể, kiệt sức và mất sữa vì phải thức đêm bế con bởi chỉ đặt xuống giường một lúc là bé thức dậy.

Khi bé Mint, con trai chị Trang, được 4 ngày tuổi, chị sử dụng khăn quấn bé sơ sinh để quấn chặt Mint, tạo cho con cảm giác như trong bụng mẹ. Chị lựa chọn loại vải co giãn 4 chiều, mang đến bé sự thoải mái, không bị bí và khó chịu. Vài tuần sau khi áp dụng phương pháp quấn bé, Mint ngủ ngon, ít quấy khóc. Bà mẹ trẻ chia sẻ thêm: giấc ngủ của trẻ gồm nhiều chu kỳ nối tiếp nhau, sau mỗi chu kỳ, bé thường ọ ẹ hoặc quấy khóc. Một số gia đình khi thấy con thức dậy đã vội vàng bế bé lên. Theo chị Trang, điều này là không nên. Chị thường chờ thêm 5-7 phút quan sát xem con có thể tự ngủ lại hay không. Nếu bé từ từ chìm vào giấc ngủ, chị sẽ ra khỏi phòng để con được tận hưởng giấc ngủ dài trọn vẹn.

Bé Mint, con trai chị Trang, tròn hai tuổi, hay cười và thích các trò chơi vận động.

Bé Mint, con trai chị Trang, tròn hai tuổi, hay cười và thích các trò chơi vận động.

4. Coi em bé là “cái rốn vũ trụ”

Trẻ ra đời trong niềm hạnh phúc của mọi người, bé bỏng và đáng yêu, đây cũng là lúc một loạt các vấn đề phát sinh. Cả gia đình có xu hướng dành toàn bộ sự quan tâm, chăm sóc cho thành viên mới mà bỏ quên các thành viên còn lại. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng là mấu chốt gây ra sự rạn nứt. “Bình tĩnh khi lên chức” là điều chị Huyền Trang muốn gửi gắm các bậc cha mẹ. Khi có con, các bà mẹ nên học cách cân bằng cuộc sống, dành thời gian chăm sóc bản thân, vun đắp tình cảm vợ chồng.

5. Vội vã đầu hàng trước tiếng khóc

Trẻ chưa biết nói sẽ lấy tiếng khóc để giao tiếp. Tiếng khóc ban đầu chỉ thể hiện nhu cầu, sau này vì sự đáp ứng nhanh chóng và vô điều kiện của người lớn, nó trở thành công cụ điều khiển người khác làm theo ý trẻ. Trong hoàn cảnh này, bố mẹ nên “lì” một chút. Theo chị Trang, trên hành trình rèn giũa con, nước mắt là điều không tránh khỏi.

6. Quan niệm: ‘Trẻ con thì biết gì’

Nhiều bậc phụ huynh vin vào cớ “trẻ con thì biết gì” để đợi bé lớn rồi mới dạy. Trên thực tế, lúc trẻ hình thành tính cách, việc uốn nắn trở nên khó khăn hơn. Theo chị Trang, việc dạy con nên bắt đầu ngay khi có thể và càng sớm càng tốt. Bố mẹ nên có quan điểm nuôi dạy con rõ ràng và kiên trì đến cùng với quan điểm đó để tạo sự nhất quán.

Mint được mẹ rèn nếp ngủ từ lúc 4 ngày tuổi, cho ăn theo nhu cầu.

Mint được mẹ rèn nếp ngủ từ lúc 4 ngày tuổi, cho ăn theo nhu cầu.

Lam Trà

Theo Ngôi Sao

BÌNH LUẬN