Được coi là công trình tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, là biểu tượng cho sự tập trung ý chí và nguyện vọng của toàn dân, công trình Nhà Quốc hội mới trở thành một tác phẩm kiến trúc ghi đậm dấu ấn của những kiến trúc sư, những công nhân ngành Xây dựng trong thời kỳ đổi mới. Trước thời khắc ngành Xây dựng bước vào Kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Xây dựng Việt Nam (29/04/1958 – 29/04/2018), hãy cùng Báo Xây dựng nhìn lại quá trình hình thành, xây dựng với những tâm huyết, cùng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành về một công trình quốc gia mang dấu ấn thế kỷ.


Nhà Quốc hội công trình hội tụ tinh hoa kiến trúc dân tộc

Biểu tượng của hòa bình, tự do

Nhà Quốc hội là trụ sở làm việc của Quốc hội, nơi tổ chức lễ kỷ niệm những ngày trọng đại của dân tộc, nơi đón tiếp khách quốc tế cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa của nhân dân cả nước và du khách quốc tế. Với những giá trị về mặt chính trị, tư tưởng, công trình được coi là biểu tượng của một nước Viêt Nam yêu tự do, yêu hòa bình, sẵn sàng hợp tác với bạn bè quốc tế.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án TS. Nguyễn Tiến Thành – Giám đốc Ban Quản lý Dự án ĐTXD Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) cho biết: Công trình được thực hiện theo ý tưởng của GS.TS.h.c KTS. Meinhard von Gerkan (người Đức) với mục tiêu: “Công trình đòi hỏi một giải pháp kiến trúc vượt lên các yêu cầu về chức năng, vừa phải hài hoà với quy hoạch đô thị vừa mang biểu tượng của sức mạnh, quyền lực. Biểu tượng này không thể hiện qua sắc màu hình thức, mà qua hình tượng mang đậm chất truyền thống văn hóa Việt. Đó là hình tròn tượng trưng cho Mặt Trời/Người Cha và hình vuông tượng trưng cho Trái Đất/Người Mẹ.

Phòng họp Quốc hội được đặt trên tám cột tròn bao quanh sảnh chính như một vương miện quý giá, có vách nghiêng hướng ra ngoài cùng không gian sảnh rộng lớn ở lối vào nhằm bao quát toàn cảnh Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Nhà Quốc hội là trụ sở làm việc của Quốc hội, nơi tổ chức lễ kỷ niệm những ngày trọng đại của quốc gia.

Trân trọng biết bao, những mong muốn ấy đã được phác họa thật khúc chiết khi công trình được hoàn thiện và trở thành một thực thể có hình hài không khác gì những nét phác thảo ban đầu. Phải sở hữu tư duy logic và chín muồi đến độ nào để đạt được sự xuyên suốt và sự trọn vẹn hiếm hoi ấy.

Nhìn ngắm lại vẻ trang trọng của công trình Nhà Quốc hội có thể nhận thấy hợp khối công trình là một khối vuông ôm lấy khối tròn bên trong, biểu trưng cho cái nhân, cái lõi, chứa trong mình chức năng quan trọng bậc nhất, đó là nơi các sứ giả của nhân dân bàn bạc việc nước.

Công trình xứng đáng trở thành  biểu tượng của sự thống nhất bởi nó nhấn mạnh vào sự hướng tâm và hướng về tứ phương như nhau với mặt bằng hình tròn; về tổng thể, nó là một khối vuông với bố cục tứ phía. Hình vuông, hình tròn chẳng những hiện thân cho sự tĩnh tại mà còn gợi liên tưởng với truyền thuyết bánh chưng bánh dày, quan niệm “trời tròn đất vuông” gần gũi với người dân Việt Nam.

TS. Nguyễn Tiến Thành cũng cho biết: Trong gần 14 năm, quá trình lựa chọn địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội gắn với Trung tâm Hội nghị Quốc gia (từ năm 1996 đến năm 2002) và sau khi phát lộ di tích Hoàng Thành (từ năm 2003 đến đầu năm 2007), đã được chuẩn bị, xem xét kỹ lưỡng, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành … đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật, sự đồng thuận cao của xã hội.

Được nhân dân ghi nhận…

Nói về Công trình Nhà Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ (Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng) Trịnh Đình Dũng từng chia sẻ: “Nhà Quốc hội là công trình rất lớn, đòi hỏi kỹ thuật hiện đại, thi công phức tạp và thời gian rất gấp. Bộ Xây dựng đã tập trung nhân lực, nguồn lực, triển khai dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Công trình đã được hoàn thành đạt yêu cầu tiến độ, chất lượng với kỹ thuật, mỹ thuật cao và đảm bảo an toàn lao động”.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Sinh Hùng đã từng nói: “Mỗi đại biểu Quốc hội đều nhận thấy rằng mình đang ngồi trong ngôi nhà mới này thì phải xứng đáng hơn với chủ trương của Đảng, của Quốc hội và sự đồng ý của nhân dân để xây lên công trình này. Quốc hội có điều kiện đầy đủ hơn để thực hiện quyền năng của mình là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân đồng thời là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Nhà Quốc hội được xây dựng với tổng diện tích 63.000 m2, chiều cao 39 m. Quy mô 5 tầng nổi, 2 tầng hầm gồm 540 phòng. Công trình hoàn thành nhờ 2.5 triệu ngày công lao động của các cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề và người lao động đến từ 65 Nhà thầu chính.


Nhà Quốc hội được xây dựng với tổng diện tích 63.000 m2, chiều cao 39 m. Quy mô 5 tầng nổi, 2 tầng hầm gồm 540 phòng.

Tòa nhà được trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh môi trường; các hệ thống thông tin cảnh báo, camera quan sát và quản lý ra vào công trình. Nói về việc xây dựng công trình, đầu tiên chúng tôi phải kể đến tâm huyết của những kiến trúc sư,  kỹ sư, công nhân ngành xây bởi việc sử dụng những công nghệ đỉnh cao.

Lật lại quá trình thi công, Nhà Quốc hội được  thi công kết cấu sử dụng cần cẩu có sức nâng 1.250 tấn, công nghệ chưa từng có ở các công trình xây dựng dân dụng trong nước. Đặc biệt là việc lắp đặt 8 cột thép tổ hợp đỡ toàn bộ Phòng họp chính. Mỗi cột thép có kết cấu đặc biệt, cao 15m, nặng 77 tấn. Giải pháp thi công này mang lại hiệu quả cao về tiến độ đồng thời đáp ứng yêu cầu chất lượng, lắp đặt chính xác và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Tòa nhà tích hợp các giải pháp ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến phức tạp từ hàng trăm nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới  như máy phát điện, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống PCCC, hệ thống tự động hoá mặt đứng, hệ thống cửa an toàn…

Hệ thống thiết bị âm thanh, hình ảnh và truyền hình được kết nối tới hệ thống ma trận chuyển mạch với các thiết bị đầu cuối đảm bảo tích hợp hài hòa với kiến trúc nội thất, vật liệu trang trí, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng âm thanh trung thực, hình ảnh sắc nét, tính dự phòng cao và hoạt động ổn định. Hệ thống này có thể phục vụ 80 cuộc họp/ hội đàm độc lập với trên 2500 đại biểu tại cùng một thời điểm trong tòa nhà…

Nói về nét đẹp kiến trúc của công trình Nhà Quốc hội, GS.TS.KTS.Hoàng Đạo Kính đã chia sẻ: Cái đẹp, cái quý được thể hiện qua sự chừng mực, giản dị, và sự chối bỏ mọi biểu hiện phù phiếm của công trình này. Thực vậy, nghĩ về Nhà Quốc hội, ta mường tượng nó phải đường bệ, quyền uy ra mặt với những hàng cột lực lưỡng đặt trên thềm cao. Kiến trúc Nhà Quốc hội hôm nay vẫn đủ trang nghiêm, đủ uy quyền, song vẫn bộc lộ tính dân chủ, mở lòng ra với quốc dân đồng bào và trời đất, nó sáng và trong với hình hài mới lạ, hiện đại. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự nhuần nhị trong phối hợp vật liệu và màu sắc, sự ứng dụng hiệu quả các công nghệ tân tiến và chất lượng đặc biệt trong thi công và hoàn thiện…


Nhà Quốc hội là một tác phẩm kiến trúc đồ sộ không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt tư tưởng, văn hóa, trở thành biểu tượng của nhân cả nước.

Nhà Quốc hội nay tọa lạc giữa một trung tâm chính trị – lịch sử – văn hóa của thủ đô và của cả nước. Khác với những nơi khác, đây không phải là quần thể kiến trúc khép kín mà là một không gian thoáng mở, còn lưu dấu vết của các thời đại, các công trình kiến trúc không cùng phong cách, song hòa đồng với nhau thành một thể hữu cơ nằm giữa những rặng cây và thảm cỏ. Chẳng mấy nơi có một trung tâm quốc gia thể hiện hồn dân tộc như thế. Năm 2014, Kiến trúc Nhà Quốc hội đã nhận giải kiến trúc Quốc gia Grand Prix đỉnh cao của Hiệp hội KTS Việt Nam.

Có thể khẳng định, Nhà Quốc hội là một tác phẩm kiến trúc đồ sộ không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt tư tưởng, văn hóa, trở thành biểu tượng của nhân cả nước. Sự thành công của công trình cũng một lần nữa ghi dấu những giá trị to lớn của ngành Xây dựng nói chung cũng như những tâm huyết sau hơn 2 triệu ngày lao động của những công nhân yêu xây dựng nói riêng. Họ đã viết lên một trang sử hào hùng, mà ở đó “những người thợ xây” đã thêu dệt lên một bản tráng ca với đầy đủ những nét tinh hoa của đất trời mang tên: Công trình Nhà Quốc hội.

Việt Khoa – Văn Thế/BXD

Theo Kiến Trúc Việt Nam

BÌNH LUẬN