Hiểu những đặc điểm sinh lý phát triển của trẻ ở mỗi độ tuổi, mẹ sẽ biết cách khơi gợi sự hứng thú, trí tưởng tượng của con.

Hể chuyện cần phải đúng với những đặc điểm phát triển của trẻ ở mỗi độ tuổi nhằm giúp bé phát triển tốt nhất và tránh gây mất hứng thú của trẻ với câu chuyện. 

Kể chuyện cần phải đúng với những đặc điểm phát triển của trẻ ở mỗi độ tuổi nhằm giúp bé phát triển tốt nhất và tránh gây mất hứng thú của trẻ với câu chuyện.

Với những bằng chứng khoa học hiện nay, kể chuyện cho trẻ nghe càng sớm có thể giúp cả vùng ngôn ngữ và trí tưởng tượng của trẻ phát triển. Tuy nhiên, việc kể chuyện cần phải đúng với những đặc điểm phát triển của trẻ ở mỗi độ tuổi nhằm giúp bé phát triển tốt nhất và tránh gây mất hứng thú của trẻ với câu chuyện. Hơn nữa, một phát hiện thú vị từ nhóm nghiên cứu của giáo sư Kulkofsky S, Đại học Texas, Mỹ: Trí nhớ của trẻ dùng để học tập sau này có thể được rèn luyện phát triển theo những câu chuyện bạn kể lúc nhỏ.

Đặc điểm phát triển của trẻ và cách kể:

Dưới 18 tháng tuổi:

Trẻ chỉ quan tâm đến các loại từ tượng thanh, định nghĩa ngắn gọn về một con vật hoặc sự việc, và mối liên kết giữa 1-2 tính chất của con vật hay sự việc nào đó. Không mong đợi trẻ hiểu hết câu chuyện, do đó, bạn đừng buồn nếu bạn kể mà bé không chú ý. Điều này là hoàn toàn bình thường vì trẻ chỉ chú ý với những điều được nói ở trên. Để lấy lại hứng thú của trẻ, chỉ cần bạn nhấn mạnh những ý trên là được.

Sự lặp lại là yếu tố giúp trẻ học. Do đó, hầu như các bé mong muốn bạn kể đi kể lại câu chuyện.

Cách kể cho trẻ từ 0-18 tháng tuổi gồm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Nêu những nhân vật chính với một đặc điểm của nhân vật đó. Dùng ngôn ngữ tượng thanh để luôn nhấn mạnh đặc điểm của nhân vật này cho những lần kể.

Giai đoạn 2: Khi trẻ quen dần với đặc điểm này, bạn lặp lại câu chuyện với những nhân vật chính và thêm một đặc điểm nữa có thể dùng ngôn ngữ tượng hình hoặc mô tả, và thường xuyên nhắc hoặc hỏi lại đặc điểm cũ.

Giai đoạn 3: Luôn nhắc lại hai đặc điểm đó khi kể lại câu chuyện, gợi nhớ nó bằng hình ảnh, trò chơi hay làm tiếng kêu tượng trưng để trẻ nhận ra đặc điểm của những nhân vật.

Trẻ từ 19-36 tháng tuổi:

Trẻ ở giai đoạn này có thể hiểu được 1-2 mô tả cơ bản về chức năng, quy trình, nhưng chưa hiểu về quan hệ nguyên nhân và hệ quả. Ví dụ: Trẻ có thể hiểu: Gà con thích ăn sâu nhỏ xíu, nhưng vẫn chưa hiểu: “Sâu có hại cho mùa màng và cây cối”. Do đó, câu chuyện của bạn đừng đặt nặng vấn đề nguyên nhân hệ quả, chỉ cung cấp và mô tả quy trình hoặc chức năng sẽ làm trẻ tò mò và hứng thú.

Tuổi này trẻ vẫn cần lặp lại như là một quy trình học hỏi bắt buộc, do đó, một số trẻ vẫn thích và yêu cầu bạn đọc hoặc kể đi kể lại cùng một câu chuyện mỗi ngày.

Cách kể cho trẻ từ 19-36 tháng tuổi gồm hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Mô tả về quy trình hoặc chức năng của những nhân vật hoặc sự việc khi kể chuyện cho trẻ. Hãy làm nó vui nhất có thể để trẻ nhớ.

Khi nào biết cần chuyển giai đoạn: Cứ lấy ý trẻ mà nương theo để phát triển, trẻ sẽ cho bạn biết khi nào cần chuyển sang giai đoạn mới. Khi trẻ hiểu và nhận biết được quy trình hay chức năng theo mô tả thì có thể chuyển.

Giai đoạn 2: Vẫn kể bình thường, bạn sử dụng thêm câu hỏi như cái gì nào? Con vật nào? Khi nào?… để nhắc lại quy trình hoặc chức năng mà trẻ đã hiểu ở giai đoạn trước. Khi trẻ trả lời đúng câu hỏi của bạn, hãy khích lệ động viên bé. Nhưng nếu trẻ trả lời sai hoặc không muốn trả lời, bạn không nên trách phạt bé, đơn giản nói lại cho bé nghe thêm một lần nữa, thậm chí nhiều lần nữa. Bạn cứ nhấn mạnh lặp lại thì trẻ sẽ học được nó theo cách tự nhiên nhất.

Trẻ từ 3-7 tuổi:

Giai đoạn này trẻ có thể bắt đầu hiểu nguyên nhân hệ quả, tốt xấu của một nhân vật hoặc sự việc nào đó. Trẻ thích đóng vai làm nhân vật đó hoặc có thể phát triển câu chuyện của bạn theo hướng suy nghĩ của bé hoặc của bạn yêu cầu.

Cách kể chuyện cho trẻ từ 3-7 tuổi gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Câu chuyện của bạn nên được kể và sử dụng hai công cụ sau:

1. Dùng thú bông hoặc hình vẽ, tranh ảnh, trang sách… để diễn tả chức năng hay quy trình của một nhân vật hoặc sự việc.

2. Dùng câu hỏi để hỏi về nguyên nhân và hệ quả, việc làm tốt và chưa tốt. Ví dụ, câu chuyện có đoạn: “Thỏ con có đôi chân dài nên đi nhanh hơn rùa con. Rùa con phải đeo chiếc mai to ơi là to trên lưng, nhưng thỏ luôn đi học trễ, còn rùa đi học đúng giờ. Thỏ thường xem tivi rất khuya ban đêm và thức dậy rất trễ vào sáng sớm nên không kịp ăn sáng và đánh răng, trong khi đó rùa con đi ngủ lúc 21h và thức dậy sớm để tập thể dục, đánh răng sạch sẽ và ăn sáng trước khi đi học…”. Bạn có thể hỏi trẻ về nguyên nhân-hệ quả, tốt và chưa tốt và những điều trái nghịch. Bạn có thể hỏi: “Bi ơi, tại sao thỏ con đi học muộn vậy? Rùa con dậy sớm đánh răng sạch sẽ, rùa con có ngoan không?”.

Khi nào biết cần chuyển giai đoạn: Cứ lấy ý trẻ mà nương theo để phát triển, trẻ sẽ cho bạn biết khi nào cần chuyển sang giai đoạn mới. Khi trẻ có thể trả lời câu hỏi của bạn dù đúng hay sai cũng là lúc có thể chuyển.

Giai đoạn 2: Sử dụng những vật dụng trong nhà hoặc đồ chơi để diễn lại câu chuyện với trẻ. Hãy để trẻ làm một nhân vật trong câu chuyện và hỏi trẻ: Nhân vật con đóng có gì tốt hoặc chưa tốt nè? Hãy để trẻ đóng tự nhiên nhất có thể, bạn có thể là nhân vật còn lại. Quan trọng là trẻ sẽ tự hiểu và làm tốt nhất nhân vật của mình.

Khi nào biết cần chuyển giai đoạn: Không cần đợi, chỉ cần cho trẻ hiểu ý nghĩa của những nhân vật thì trẻ có thể tự làm tốt ở giai đoạn 3.

Giai đoạn 3: Cũng kể câu chuyện và cũng đóng nhân vật, nhưng hãy hỏi trẻ sẽ làm gì khác nếu con là nhân vật phản diện. Giai đoạn này sẽ giúp trẻ nhận ra ngôn ngữ để mô tả những tính cách nhân vật phản diện và có thể làm tốt nó hơn. Đó là bài học để dạy trẻ biết thay đổi để làm tốt hơn.

Kể chuyện cho trẻ nghe càng sớm có thể giúp cả vùng ngôn ngữ và trí tưởng tượng của trẻ phát triển. Ảnh: 

Kể chuyện cho trẻ nghe càng sớm có thể giúp cả vùng ngôn ngữ và trí tưởng tượng của trẻ phát triển. Ảnh: Mummy Fique.

Những lỗi sai cha mẹ thường mắc khi kể chuyện cho trẻ:

1. Quá mong đợi trẻ sẽ ngồi yên và thích thú câu chuyện của bạn. Rất tiếc là không như vậy, trẻ con chỉ chịu ngồi yên với những gì chúng hứng thú. Do đó, hãy hiểu những đặc điểm sinh lý phát triển của trẻ ở mỗi độ tuổi ở trên để tạo nên sự hứng thú của trẻ.

2. Nhấn mạnh quá nhiều nguyên nhân hệ quả cho trẻ nhỏ khi kể chuyện. Cha mẹ thường tập trung nói nhân vật này xấu, nhân vật kia tốt, tốt như thế nào khi kể chuyện. Thực tế, nếu nhỏ hơn ba tuổi, trẻ không hiểu điều này. Quá tập trung điều đó sẽ làm câu chuyện bạn kể trở nên mất hứng thú, mà trẻ lại không học được nhiều về ngôn ngữ và trí tưởng tượng.

3. Đau đầu tìm câu chuyện mới cho trẻ và chọn nội dung câu chuyện quá phức tạp và quá tình cảm. Thực tế, một câu chuyện có thể sử dụng cho ba nhóm tuổi từ nhỏ đến lớn mà không làm giảm giá trị của nó nếu biết cách khai thác những đặc điểm đúng của nó theo từng độ tuổi. Do đó, hãy tự sắm cho mình một sách gồm những câu chuyện ngắn, nội dung đơn giản xoay quanh tình bạn, bài học ý nghĩa, gia đình , thầy cô… Trẻ ở độ tuổi nào vẫn sử dụng lại được, chỉ cần nhớ rằng: “Trẻ không cần nhiều, chỉ cần chất lượng”.

4. Phớt lờ hoặc trả lời đại khái những câu hỏi của trẻ. Thực tế, khi bạn kể chuyện chỉ đem lại 50% lợi ích cho phát triển não bộ, 50% còn lại chính là sự tương tác của trẻ trong những câu hỏi. Đôi lúc những câu hỏi hóc búa và rất khó trả lời, nhưng bạn cần trả lời bé một cách nhiệt tình, hoặc nếu bạn chưa có câu trả lời thì hãy cho bé một cái hẹn và đảm bảo giữ đúng lời hứa với bé.

Một câu chuyện thú vị về câu hỏi hóc búa của trẻ 34 tháng được chia sẻ từ một người bố trên diễn đàn cha mẹ:

“Cu Tí anh bây giờ đã được 34 tháng, biết bắt chước tiếng các con vật. Nhiều tối, khi ba bố con đùa nhau và hỏi nhau về tiếng các con vật, cả nhà lại phì cười vì thật đúng là trẻ con. Cho dù biết tiếng kêu của một số con vật, cháu vẫn hay hỏi lại bố xem con gà bố kêu thế nào, gà mẹ kêu ra sao, gà con, chó con, chó ông, chó bà…. đủ các thể loại, và vợ chồng em cũng phải biến tấu cho phù hợp. Nhưng đến khi cháu hỏi: “Bố ơi, con cá nó kêu thế nào nhỉ?” thì cả hai vợ chồng đều cười to và không biết trả lời con thế nào, đành khất con bằng cách: “Ờ, bây giờ tối rồi, con cá nó đi ngủ rồi, để mai bố mẹ hỏi xem con cá nó kêu thế nào con nhé!”.

Hà Phương
Theo Child Nutrition Foundation

Theo Ngôi Sao

BÌNH LUẬN