Theo KTS Nguyễn Minh Thủy, ngôi nhà sẽ hài hòa nhờ cách tổ chức cây cối trong vườn, lối đi hay việc tái sử dụng đồ vật cũ.

Ngôi nhà của gia đình chị Thủy được xây dựng trên khu đất 300 m2.

Ngôi nhà của gia đình chị Thủy được xây dựng trên khu đất 300 m2 và hoàn thiện hơn một năm trước.

Vốn là kiến trúc sư, chị Thủy cùng chồng tự thiết kế chốn đi về có sân vườn rộng; có nắng gió luồn vào từng ngóc ngách. Khu đất rộng 300 m2 nhưng vợ chồng chị Thủy chỉ xây dựng 120 m2, phần còn lại làm sân vườn. Ẩn sau vỏ ngoài như khối bê tông, nhà của chị Thủy mở ra khuôn viên xanh mát. Theo chị Thủy, một ngôi nhà chưa thể là hoàn hảo nếu thiếu phần cảnh quan – bước nền quan trọng để tổ ấm vừa hài hòa lại nổi bật. Dưới đây là một vài nguyên tắc tổ chức cây cối trong vườn do chị Thủy gợi ý.

1. Hãy trồng một cây điểm nhấn với kích thước lớn nhất có thể. Nếu là biệt thự, bạn nên chọn cây cổ thụ như vú sữa, bưởi… vừa mát lại đẹp và còn mắc võng nằm hoặc đặt bộ bàn ghế dưới tán cây. Điều kiện nhỏ hơn, bạn hãy nghĩ đến cây khế, cây bàng cảnh… Cây to không chỉ đóng góp về thẩm mỹ mà còn rất cần thiết trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như nước ta.

Cây vú sữa trồng góc vườn nhà, vừa cho bóng mát lại cho quả ăn.

Cây vú sữa trồng góc vườn nhà, vừa cho bóng mát lại cho quả ăn.

2. Lối đi: Sân rộng không nên láng hết xi măng, chỗ nào dành cho lối đi hãy chỉ để lối đi, phần còn lại trồng cây trực tiếp xuống mặt đất. Lối đi bộ chính rộng tối thiểu 0,9 m, lối phụ 0,65 m, lối cho xe máy 1 m, cổng vào cho xe máy tối thiểu 1,4 m; và tùy điều kiện vòng xe nhà bạn để thiết kế lối ôtô. Cổng vào rộng tối thiểu 3,6-4 m.

Trong trường hợp sân nhỏ, không cần tách riêng lối đi với thảm cây, mà có thể lát cả sân rồi tổ chức các chậu cây bên trên.

Chú ý: Vật liệu hoàn thiện nên thô mộc, giản dị, màu gỗ tự nhiên, đá, gạch trần, màu ghi- đen- trắng…

3. Phần vườn còn lại xử lý thế nào?

– Dễ nhất là trồng cỏ. Chỗ nhiều nắng, bạn hãy trồng cỏ lá gừng hoặc cỏ nhật. Khu vực nào không có nắng, bạn trồng cỏ ba lá và viền bằng cỏ lan chi.

– Điểm xuyết một vài tổ hợp cây trang trí, viền cây bụi đẹp. Nên trồng thành từng nhóm tập trung, thay vì cắm dàn trải trên mặt đất như trồng hành hay trồng lúa. Phần này quan trọng vì những cây đó gây ấn tượng đầu tiên nên chúng sẽ thể hiện được gu thẩm mỹ và sự khéo léo của chủ nhà. Trồng trên mặt đất hay đặt chậu, tiểu cảnh trong nhà, chân cầu thang… đều tuân theo nguyên tắc sau:

Cây có độ cao giảm dần từ trung tâm nhóm ra ngoài rìa. Trồng các gốc cây sát nhau, cây thấp hơn che chân gốc của cây cao hơn, không lộ chân cây. Trồng nhiều cây và dày dặn thành từng bụi.

Kiểu vườn có tổ hợp cây trang trí có độ cao giảm dần. Gốc cây sát nhau, cây thấp hơn che chân gốc của cây cao hơn, không lộ chân cây. Ảnh minh họa.

Kiểu vườn có tổ hợp cây trang trí độ cao giảm dần. Gốc cây sát nhau, cây thấp hơn che chân gốc của cây cao hơn, không lộ chân cây. Ảnh minh họa.

Các bạn có thể mặc sức kết hợp các loại cây mình thích, nhưng trồng thống nhất một phong cách sẽ dễ đẹp hơn. Một số phong cách để tham khảo là: nhiệt đới (tropical), sa mạc (không mất công chăm sóc nhiều) hay châu Âu.

– Nhà có vật dụng cũ, đừng vội vứt mà hãy tái sử dụng làm điểm nhấn cho sân vườn đẹp: Hũ sành, chai thủy tinh, khuôn cửa sổ bằng gỗ…

– Nếu đặt chậu cây thành một nhóm trong nhà, bạn hãy chú ý ánh sáng, lý tưởng nhất là có một chiếc đèn rọi, vừa hạn chế muỗi vừa trông lung linh hơn.

Kiểu vườn sa mạc. Ảnh minh họa.

Kiểu vườn phong cách sa mạc. Ảnh minh họa.

Kiến trúc sư Nguyễn Minh Thủy

Theo Ngôi Sao

BÌNH LUẬN