Người dân ở nhiều khu vực thuộc châu Á, châu Đại Dương và tây bắc châu Mỹ có thể chứng kiến sự kiện hiếm gặp vào cuối tháng 1.

Hiện tượng siêu trăng, trăng xanh trùng trăng máu hiếm gặp sẽ diễn ra cuối tháng 1.Ảnh: UPI.

Hiện tượng siêu trăng, trăng máu và trăng xanh trùng nhau sẽ diễn ra cuối tháng 1.Ảnh: UPI.

Những người yêu thiên văn trên khắp thế giới đang háo hức chờ đón hiện tượng siêu trăng, trăng máu và trăng xanh xảy ra cùng lúc vào ngày 31/1 sắp tới, UPI đưa tin.

Siêu trăng là thời điểm Mặt Trăng tiến đến gần Trái Đất nhất đúng lúc trăng tròn, do đó Mặt Trăng trông sáng và lớn hơn bình thường khoảng 14%. Trăng xanh xảy ra khi có hai lần trăng tròn trong một tháng Dương lịch.

Ngoài ra, Mặt Trăng sẽ trông như có màu đỏ khi đi qua bóng của Trái Đất vào nguyệt thực hôm 31/1. Đây còn gọi là hiện tượng trăng máu.

Phần lớn Nam Mỹ, châu Phi và Tây Âu sẽ không thể quan sát sự kiện, trong khi hầu hết châu Á, châu Đại Dương và tây bắc châu Mỹ có thể theo dõi. Những nơi khác trên thế giới có thể nhìn thấy một phần sự kiện, tùy từng vị trí.

Người Mỹ đều có thể quan sát siêu trăng trùng trăng xanh, nhưng chỉ khu vực phía tây, Alaska và Hawaii mới thấy đồng thời cả ba sự kiện. Người dân ở vùng bờ biển phía đông nước Mỹ sẽ chỉ thấy nguyệt thực một phần và khá khó quan sát, thậm chí người xem có thể không nhận ra sự khác biệt của Mặt Trăng.

“Nếu thời tiết thuận lợi, vùng bờ biển phía tây của Mỹ, Alaska và Hawaii sẽ chứng kiến nguyệt thực toàn phần từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, nguyệt thực sẽ khó thấy hơn ở khu vực sử dụng múi giờ miền Đông (gồm vùng đông bắc nước Mỹ). Nguyệt thực bắt đầu lúc 5h51, theo múi giờ miền Đông (tức 17h51 ngày 31/1 theo giờ Việt Nam) khi Mặt Trăng chuẩn bị lặn ở phía tây và bầu trời phía đông bắt đầu sáng lên”, Gordon Johnston, chuyên gia làm việc tại NASA, cho biết.

Thu Thảo

vnexpress

BÌNH LUẬN