Những công trình kiến trúc truyền thống Nhật Bản mang nét đẹp độc đáo và hấp dẫn nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới tới tham quan và trải nghiệm. Có được điều ấy là có sự đóng góp to lớn của nhiều thế hệ kiến trúc sư (KTS) Nhật Bản, trong đó bao gồm một số KTS nổi tiếng sau:
KTS Toyo Ito
Vào năm 2013, Ito đã được trao tặng giải Pritzker, một trong những giải thưởng kiến trúc uy tín nhất. Là một KTS có tài năng tuyệt vời, ông đã tập trung cho quá trình tìm kiếm những tiềm năng ở mỗi dự án và mỗi khu đất. Ito sinh ra ở Seoul. Năm 1943, ông chuyển đến Nhật Bản cùng với mẹ và hai chị em gái, và tốt nghiệp từ Trường Đại học Tokyo khoa Kiến trúc vào năm 1965.
Toyo Ito bắt đầu sự nghiệp tại Cty Kiyonori Kikutake & Associates. Vào năm 1971, ông thành lập văn phòng của mình tại Tokyo và đặt tên là Urban Robot (Urbot). Vào năm 1979 ông đổi tên văn phòng thành Toyo Ito & Associates, Architects. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, trong năm 2010, ông đoạt giải Praemium Imperiale lần 22 vinh danh hoàng tử Takamatsu, năm 2006, Huy chương Vàng của Hiệp hội KTS Hoàng gia Anh, năm 2002 giải thưởng Sư tử vàng dành cho thành tựu trọn đời trong Venice Biennale International Exhibition lần thứ 8.
Hầu hết các tác phẩm đầu tiên của ông là nhà ở. Sendai Mediatheque, hoàn thành năm 2001 tại TP Sendai, Miyagi, Nhật Bản. Một dự án khác của Ito được nhận xét bởi ban giám khảo là tòa nhà TOD’S Omotesando tại Tokyo. KTS Toyo Ito là người Nhật thứ ba đoạt giải thưởng UIA. KTS Toyo Ito tốt nghiệp Đại học Tokyo năm 1965 và thành lập Cty vào năm 1971. Ông đã thiết kế nhiều công trình xuất chúng như Sendai Media Arch tại Sendai, Nhật Bản và Nhà hát Opera ở Đài Loan. Đó là một trong những công trình được giới chuyên môn thế giới đánh giá cao. KTS 76 tuổi này đã được trao giải thưởng danh giá Pritzker năm 2013.
KTS Sou Fujimoto – Biểu tượng vận dụng tinh tế giữa tự nhiên và hiện đại
KTS Sou Fujimoto – Nhật Bản là một trong Top 10 KTS nổi tiếng có ảnh hưởng thế giới kiến trúc đương đại. Ông đang tạo ra làn sóng mới trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc nhờ khả năng vận dụng khéo léo sự tinh tế đan xen giữa yếu tố tự nhiên và hiện đại.
Sou Fujimoto không những là nguồn cảm hứng cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc mà ông còn là nguồn cảm hứng cho những nhà thiết kế và cả trong lĩnh vực thời trang.
KTS Sou Fujimoto lớn lên ở Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản. Đó là một môi trường mà xung quanh toàn thiên nhiên. Đó là cội nguồn nguyên thủy có ảnh hưởng đến kiến trúc sau này. Cùng với đó là rất quan tâm đến diện mạo kiến trúc của thế kỷ XXI. Quan tâm đến những yếu tố như năng lượng, công nghệ thân thiện môi trường, phát triển bền vững.
Sou muốn tìm tòi sự kết hợp giữa yếu tố tự nhiên và hiện đại của thế kỷ XXI. Đó chính là động lực thúc đẩy thường trực trong phong cách thiết kế của ông. Tư duy kiến trúc là thân thiện với môi trường, đồng thời tận dụng khai thác yếu tố hiện đại. Sự xuất hiện của công nghệ IT, Internet tạo điều kiện để khai thác mối quan hệ giữa yếu tố tự nhiên và kiến trúc.
KTS Sou Fujimoto muốn tạo ra những công trình kiến trúc không xa rời yếu tố tự nhiên. Ông khao khát được tạo ra những không gian sống đa dạng cho mọi người. Bởi vì nếu người ta được sống trong một môi trường như vậy, thì họ sẽ có niềm vui, sự sảng khoái, thoải mái, hạnh phúc và niềm tin vào tương lai.
Theo ông, một công trình thân thiện về mặt môi trường đương nhiên là phải sử dụng vật liệu tương ứng nên đương nhiên, chi phí cho đầu tư ban đầu khá đắt đỏ. Thế nhưng ngày nay, không chỉ muốn thực hiện những công trình sang trọng có chi phí đắt đỏ. Đôi khi những công trình nhỏ mà chi phí thấp buộc ông phải tìm tòi và sáng tạo nhiều hơn.
KTS Tadao Ando
Tadao Ando theo chủ nghĩa phê bình khu vực. Ando chưa hề qua một trường lớp đào tạo về kiến trúc nào, thời trẻ, ông đã một mình thực hiện một chuyến đi từ đông sang tây để tự quan sát và học hỏi. Ông đã từng là tài xế, một võ sĩ quyền anh trước khi là một KTS. Năm 1969, ông thành lập hãng kiến trúc Tadao Ando và cộng sự.
Công trình nhà lô ở Sumiyoshi hoàn thành năm 1972 là công trình đầu tiên bộc lộ những đặc điểm kiến trúc của ông. Nó bao gồm 3 khối không gian vuông cân bằng, trong đó, hai khối đặc của không gian nội thất được chia cắt bằng một không gian mở của sân. Năm 1995, Ando được nhận giải thưởng Pritzker và 100.000 USD. Ông đã tặng số tiền đó cho những trẻ em mồ côi trong cuộc động đất Hanshin.
Ando đã từng tọa đàm về kiến trúc tại Trường Đại học Xây dựng, ông tự học kiến trúc và rất sáng tạo trong thiết kế, giải Pritzker 1995 – với các công trình Nhà dãy Sumiyoshi, Nhà thờ trên mặt nước, Nhà thờ Ánh sáng, Nhà triển lãm Nhật Bản tại Expo’92 ở Sevilla – Tây Ban Nha, và khá nhiều công trình xây dựng lớn ở Mỹ và trên thế giới…
KTS Shigeru Ban
KTS Shigeru Ban sinh tại Tokyo, Nhật Bản. Ông nổi tiếng thế giới bởi các sáng tạo với giấy và các ống bằng bìa các tông như một vật liệu xây dựng, là KTS đầu tiên ở Nhật Bản xây dựng một tòa nhà chủ yếu bằng giấy. Sử dụng những vật liệu không bình thường trong xây dựng như giấy, KTS Shigeru Ban đã mở rộng và định nghĩa lại giới hạn về vật liệu mới trong kiến trúc hiện đại. Ông đã tạo ra một biểu tượng mới của kiến trúc tối giản.
Năm 1977 – 1980, KTS Shigeru Ban học kiến trúc tại Học viện Kiến trúc Nam California (Mỹ), sau đó theo học trường kiến trúc Cooper Union. Năm 1982 – 1983, ông bắt đầu sự nghiệp tại xưởng kiến trúc của KTS Arata Isozaki. Năm 1985, ông thành lập văn phòng kiến trúc của riêng mình tại Tokyo. Hiện tại, ông có thêm 2 văn phòng thiết kế đặt tại New York và Paris.
KTS Shigeru Ban là một KTS bậc thầy về sự sáng tạo. KTS Shigeru Ban từng thiết kế nhiều thể loại công trình như nhà ở, bảo tàng, triển lãm, hội nghị, nhà hát, văn phòng… Con đường thiết kế ông theo đuổi là kiến trúc bền vững và cấu trúc vật liệu. Trong 20 năm qua, ông đã thiết kế nhiều công trình, từ quy mô lớn và chất lượng cao đến xây dựng các không gian sống cho những vùng bị tàn phá do thiên tai…
KTS Shigeru Ban là một KTS thiết kế theo hướng sinh thái. Các công trình của ông đều có chi phí xây dựng thấp, vật liệu dễ tìm và có thể tái sử dụng. Trong nhiều thiết kế kiến trúc, ông không tạo nên bất cứ thứ gì mới mẻ mà chỉ sử dụng các chất liệu có sẵn theo một cách khác hẳn. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu cách sử dụng vật liệu tự nhiên và tái chế như tre, gỗ, vải, vật liệu tổng hợp, nhựa tái chế và đặc biệt là giấy và bìa các tông, dễ kiếm ở mọi nơi, dễ vận chuyển, chống lửa và chống nước.
KTS Shigeru Ban phát triển kiến trúc theo hướng mở với các kiến thức liên ngành, không chỉ sáng tạo các công trình, không gian mới mà còn kết hợp hài hòa giữa nhu cầu, kinh tế, tính bản địa và văn hóa.
Khi trận động đất tàn phá thị trấn Onagawa của Nhật Bản (năm 2011), Shigeru Ban đã nhanh chóng thiết kế và lắp đặt những ngôi nhà ở tạm cứu trợ thiên tai được xây dựng từ các ống bìa giấy và các container. Nhà tạm Onagawa tại Nhật Bản có thiết kế gọn nhẹ, giá cả phải chăng, dễ làm sạch sẽ đã cung cấp sự cứu trợ kịp thời đến các nạn nhân động đất, đồng thời nâng cao tinh thần nhân văn trong thiết kế này.
Ở nhiều cấp độ khác nhau, các nước châu Á đã kinh qua con đường chông gai tiến tới hiện đại. Hiện đại hóa và phát triển kinh tế là những yếu tố cần thiết để hội nhập vào nền văn hóa thế giới. Người châu Á phải xem xét lại giai đoạn thuộc địa để điều chỉnh lại những sự sai lệch vô tình hoặc cố ý. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đã phải chuyển hóa nhiều trong nội bộ để đạt được tính hiện đại mang bản sắc riêng.
Biệt thự tại Sengokubara ở Kanagawa, Nhật Bản là một ngôi nhà bằng gỗ nhỏ, gọn bao quanh một sân hình giọt nước. Cũng giống như trong các công trình kiến trúc khác của mình, Shigeru Ban đã tạo ra một quá trình liền mạch giữa các không gian nội thất và bên ngoài.
Sau khi trận động đất lớn Hanshin (năm 1995) phá hủy nhà thờ Takatori tại Kobe, Shigeru Ban đã thiết kế một nhà thờ giấy. 10 năm sau, nhà thờ giấy này được trao tặng lại cho một cộng đồng Công giáo tại Đài Loan.
Một công trình kiến trúc nổi bật khác của Shigeru Ban là nhà thờ Christchurch Cathedral tại New Zealand. Đây là công trình được xây dựng bằng 98 ống bìa các tông với những cửa sổ bằng kính tam giác màu sắc sặc sỡ để dành tặng cho cộng đồng gặp thảm họa sau trận động đất tàn khốc trong năm 2011. Công trình có sức chứa lên tới 700 người và có tuổi thọ khoảng 50 năm.
Công trình gây ấn tượng khác của ông là Trung tâm Pompidou-Metz tại Pháp. Các đường cong của Trung tâm Pompidou-Metz là một phần mở rộng của trung tâm nghệ thuật Pompidou của Paris. Shigeru Ban đã lấy cảm hứng từ cấu trúc uốn lượn hình thoi của một chiếc mũ cổ Trung Quốc để tạo ra cấu trúc mái uốn lượn mềm mại và tạo ra sự độc đáo của công trình.
Trong một cuộc triển lãm về sức mạnh của cấu trúc các tông, Shigeru Ban đã chứng tỏ điều đó qua việc chuyển đổi các ống các tông và tái chế hỗn hợp giấy – nhựa làm vật liệu cho một cây cầu bắc qua sông Gardon ở miền Nam nước Pháp. Đó là kiệt tác được tạo ra từ 281 ống các tông, đủ mạnh để cho 20 người đi trên cầu cùng một lúc.
Khánh Phương/BXD
Theo kientrucvietnam.org.vn