Nhiệt độ thường xuyên duy trì ở -40 độ C trong nhiều tháng mùa đông khiến Yakutsk trở thành đô thị lạnh nhất thế giới.
Với nhiệt độ luôn quanh khoảng -40 độ C ít nhất ba tháng trong năm, Yakutsk ở đông Siberia, Nga được coi là thành phố lạnh nhất thế giới, theo National Geographic.
Một số nơi khác có thời tiết khắc nghiệt hơn, chẳng hạn khu định cư Oymyakon với khoảng 500 người sinh sống, cách Yakutsk 925 km về phía đông, nơi gần đây vừa trải qua đợt lạnh kỷ lục -67 độ C, hoặc Nam Cực có nhiệt độ trung bình vào mùa đông ở -60 độ C, nhưng không nơi nào được xem như một thành phố đầy đủ chức năng giống Yakutsk, ngôi nhà của hơn 280.000 người. Do mặt đất đóng băng quanh năm, phần lớn các tòa nhà đều xây trên cọc, nếu không, ngôi nhà sẽ lún dần do nhiệt độ sản sinh trong nhà làm tan lớp băng vĩnh cửu.
Đường phố mờ sương giá ở Yakutsk. Ảnh: Steeve Iuncker. |
Nguồn tài nguyên phong phú dưới lòng đất bù đắp lại những thách thức từ thời tiết trong vùng. Các mỏ địa phương chiếm khoảng 1/5 nguồn sản xuất kim cương trên thế giới. Ngoài ra, Yakutsk còn có trữ lượng dồi dào khí gas tự nhiên, dầu mỏ, vàng, bạc và nhiều khoáng sản khác.
Năm 2013, Steeve Iuncker, người lớn lên trên dãy Alps ở Thụy Sĩ, nơi có nhiệt độ trung bình -4 độ C từ tháng 12 đến cuối tháng 2, quyết định trải nghiệm ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá đến cơ thể và đời sống. Iuncker hồi tưởng khi con gái chủ nhà đến đón ở sân bay, cô nhìn anh từ đầu tới chân và yêu cầu mang đủ mũ, găng tay, khăn quàng cổ và ủng.
“Ai biết chỉ bước ra ngoài để bắt taxi lại cần chú ý đến vậy”, Iuncker chia sẻ. Ở Yakutsk, mỗi lần ra ngoài cần lên kế hoạch cẩn thận. “Không đi lòng vòng, không lượn lờ hoặc nhìn ngắm hàng hóa. Ở đây cái lạnh quyết định mọi thứ. Hoặc cách cơ thể bạn phản ứng với cái lạnh sẽ quyết định hành động của bạn”.
Iuncker nhận thấy những người dân địa phương ghé thăm nhau khá nhiều, nhưng chuyến thăm chỉ kéo dài vài phút. “Họ bước vào, cởi áo khoác ngoài, uống tách trà nóng, ăn bánh mì phết mứt trước khi mặc áo và bước ra ngoài, như thể ngôi nhà của hàng xóm là trạm dừng chân dọc hành trình của họ”, Iuncker nói.
Iuncker phải điều chỉnh thói quen làm việc. Chiếc máy ảnh hai ống kính của anh chỉ có thể chụp hình trong khoảng 15 phút. Sau thời gian đó, bộ cuộn phim sẽ đông cứng và phim chụp có thể nứt vỡ.
Khung cảnh ở Yakutsk có phần huyền ảo với sương mù dày bao phủ phần lớn thành phố, nhưng mặt đất có thể dễ dàng đánh lừa người đi đường. “Bạn rất dễ lạc đường do không thể nhìn xa quá 10 mét trước mặt và các con phố đều giống hệt nhau. Đó là điều bạn không muốn gặp phải nhất trước nguy cơ bị cóng lạnh”, Iuncker chia sẻ.
“Người dân Siberia có khả năng chịu lạnh giống như chúng tôi, nhưng họ chuẩn bị tốt hơn”, Iuncker thừa nhận sau hành trình tới Yakutsk.
Phương Hoa