T.Y.K Farm, Enermics và YN Team sẽ sang Thượng Hải dự vòng bán kết châu Á tại cuộc thi Hult Prize của Liên Hiệp Quốc.
Vòng bán kết khu vực diễn ra tại Thương Hải vào tháng 3. Ba đại diện của Việt Nam cùng các đội quốc tế để tranh giải thưởng một triệu USD toàn cầu.
Vòng chung kết quốc gia ở Việt Nam cuộc thi vừa diễn ra tại TP HCM với giải nhất thuộc về dự án T.Y.K Farm.
T.Y.K Farm là dự án tận dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, căn tin cung cấp thức ăn gia súc cho nông dân. Thành viên nhóm cho biết ý tưởng xuất phát từ việc nhóm nhận thấy ở các nông thôn Việt Nam, nông dân hay dùng thức ăn thừa để cho gia súc gia cầm ăn giúp tiết kiệm được chi phí và bổ sung dinh dưỡng cho vật nuôi. Tuy nhiên, nguồn cung này lại không ổn định và khó kiểm soát được chất lượng. Trong khi đó, ở các thành phố, có tới 1,3 tấn thức ăn thừa lại bị thải ra một cách lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, nhóm muốn lập dự án tận dụng nguồn này để chế biến thành thức ăn chăn nuôi thô cho nông dân.
Trong ba năm đầu, nhóm chỉ tập trung thu mua thức ăn thừa từ những chuỗi nhà hàng lớn ở TP HCM. Khi ổn định, họ sẽ tạo ra ứng dụng kết nối các nhà hàng, trung tâm và căn tin để mở rộng quy mô. “Nếu dự án triển khai sẽ giảm được 42.000 tấn rác, nông dân Việt Nam có thể tiết kiệm 84,2 tỷ đồng và nhà hàng có thể kiếm 135 tỷ từ việc bán thức ăn thừa mỗi năm. “Trong tương lai, chúng tôi muốn nhân rộng mô hình sang nhiều nước có cùng chung vấn đề như Thái Lan, Campuchia và Ấn Độ”, một thành viên chia sẻ.
Các thành viên T.Y.K Farm giành giải nhất cuộc thi tại Việt Nam. |
Giành giải nhì là dự án Enermics, thu gom rác thải hữu cơ để chuyển hóa thành gas phục vụ cho thị trường. Một dự án khác cũng có cơ hội đến Thượng Hải tranh tài cùng các đội quốc tế là YN Team với thiết bị tạo ra nguồn điện tự nhiên. Sản phẩm là một tua bin gió nhỏ và một cục sạc, lẫn dây nối vào thiết bị. Khi gắn tua bun lên phương tiện giao thông trong lúc di chuyển, lượng gió tạo ra trong quá trình chuyển động sẽ làm quay tua bin. Nguồn điện tạo ra sẽ được tích thẳng vào thiết bị thông qua dây nối hoặc tích trữ vào pin để có thể tháo rời và sử dụng cho những mục đích khác nhau. “Giải pháp nhắm đến giúp mọi người tiếp cận và đáp ứng nguồn năng lượng cần thiết mà không gây tác động tiêu cực lên môi trường”, thành viên nhóm cho biết.
Dàn giám khảo gồm bà Thái Vân Linh, giám đốc Chiến lược và Vận hành Quỹ đầu tư VinaCapital, ông Matt Wilson, giám đốc Ngoại vụ cấp cao Doanh Nghiệp Heineken Việt Nam, ông Hồ Trọng Lai, Giám đốc điều hành Công ty Waterstone Capital Partners LLC, ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Tri Tri Group, đồng sáng lập Nhóm quản trị và Khởi nghiệp cùng Tiến sĩ Phạm Thị Mai Khanh, phó trưởng Bộ Môn Nghiệp vụ Trường Đại học Ngoại thương TP HCM.
Hult Prize là cuộc thi thường niên dành cho sinh viên toàn thế giới hướng đến khởi nghiệp xã hội do Liên Hiệp Quốc và cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton bảo trợ cùng với Hult International Business School. Chủ đề năm nay là “Tận dụng sức mạnh nguồn năng lượng tự nhiên để thay đổi cuộc sống của 10 triệu người”, tập trung vào sáu mảng đề tài chịu ảnh hưởng của việc sử dụng năng lượng như kết nối, giáo dục, nông nghiệp, nguồn nước, di động và sức khỏe.
2018 là năm thứ hai Hult Prize đến Việt Nam. Đây là cuộc thi khởi nghiệp xã hội toàn cầu dành cho thế hệ trẻ gồm sinh viên, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và cựu sinh viên, nhằm khởi xướng doanh nghiệp xã hội do Liên Hiệp Quốc bảo trợ cùng với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Trương Sanh