Bệnh lác mắt, nếu không điều trị sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho trẻ như tình trạng nhược thị mắt, mất khả năng cảm nhận không gian 3 chiều, mất thị lực mắt.
Theo khuyến cáo của chuyên gia, tỷ lệ trẻ nhỏ bị lác tại Việt Nam khá cao nhưng thường không được can thiệp kịp thời. Và những quan niệm sai lầm về lác mắt vẫn còn khá nhiều. Thậm chí, nhiều người còn chưa hiểu được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Hà Huy Tài, chuyên gia Nhãn nhi, bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng nhìn nhận thực tế, hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ, lác mắt chỉ liên quan tới vấn đề thẩm mỹ. Khi trẻ nhỏ bị lác, có những phụ huynh nghĩ đó là tật xấu của con và bắt con phải tập nhìn đúng.
Cũng theo PGS.TS Tài, con gái bị lác thường được đưa tới khám và điều trị sớm hơn nam giới vì suy nghĩ… để cháu còn lấy được chồng.
“Nếu như ở nước ngoài trẻ bị lác mắt sẽ được can thiệp rất sớm tạo cơ hội cho trẻ phục hồi thị lực tốt. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ bị lác được tiến hành phẫu thuật sớm thường rất muộn nên khả năng phục hồi sẽ khó khăn hơn do còn tồn tại những sai lầm ở trên. Nếu không điều trị sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho trẻ như tình trạng nhược thị mắt, mất khả năng cảm nhận không gian 3 chiều, mất thị lực mắt”, PGS.TS Hà Huy Tài nhấn mạnh.
PGS.TS Hà Huy Tài, chuyên gia Nhãn nhi, bệnh viện Mắt Hà Nội 2 |
Từ những thực tế trên, PGS.TS Hà Huy Tài chỉ ra rằng, chúng ta phải nhìn nhận và xác định lác là một căn bệnh và cần phải được điều trị.
Phân tích sâu hơn về căn bệnh này PGS.TS Tài nói: Trẻ bị lác, hai mắt sẽ nhìn theo hai hướng khác nhau và nhìn thành hai hình. Nếu tình trạng đó kéo dài não sẽ xóa nhòa hình ảnh của mắt lác, đồng thời sự mất cân bằng giữa các cơ ngoại nhãn của mắt không cho mắt nhìn được không gian nổi, 3 chiều và có thể mất thị lực hai mắt.
Theo PGS.TS Hà Huy Tài, để nhận biết bệnh lác mắt, với trẻ nhỏ, thông thường khi quan sát bên ngoài mắt trẻ thấy lệch nhau. Trẻ có dấu hiệu mỏi mắt thường xuyên, khả năng tập trung kém, nhìn mờ…
Lác là một bệnh hay gặp với hai biểu hiện chính, rối loạn vận động nhãn cầu dẫn tới sự lệch trục nhãn cầu (gọi là lác) và rối loạn chức năng của mắt (nhược thị, mất thị giác hai mắt). Lác mắt có thể là lác trong (nhãn cầu lệch vào trong), lác ngoài (nhãn cầu bị lệch ra ngoài) hay lác đứng (nhãn cầu lệch lên trên hoặc xuống dưới).
Trẻ bị viễn thị cũng có thể dẫn tới tình trạng lác hay còn gọi là lác do điều tiết. Lác có nguyên nhân bẩm sinh chiếm tới 4%, trong đó 20% trường hợp trẻ bị lác bẩm sinh là do di truyền. Ngoài ra, trẻ có thể bị lác sau biến chứng của sốt cao co giật.
“Khi trẻ có dấu hiệu bị lác mắt cần phải đưa trẻ đi điều trị sớm. Việc điều trị lác mắt không chỉ có ý nghĩa thẩm mỹ mà còn phục hồi tốt thị lực giúp cho mắt phát triển bình thường”, PGS.TS Hà Huy Tài cho hay.
Nguyễn Huệ