2018 có thể là năm đầu tiên kinh tế thế giới hoạt động hết hoặc gần hết công suất kể từ sau khủng hoảng tài chính.

Báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Toàn cầu tháng 1/2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm nay đạt 3,1%, nhỉnh hơn so với 3% năm ngoái. Nguyên nhân là hoạt động đầu tư, công nghiệp chế tạo và thương mại đều hồi phục. Bên cạnh đó, các nước đang phát triển cũng hưởng lợi nhờ giá hàng hóa tăng.

2018 đang tiến tới là năm đầu tiên kinh tế thế giới hoạt động hết hoặc gần hết công suất kể từ sau khủng hoảng tài chính. Các hiện tượng trì trệ trong nền kinh tế được dự báo không còn nữa. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần tìm các sáng kiến để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, thay vì chỉ trông chờ vào chính sách tài khóa và tiền tệ để nâng tăng trưởng ngắn hạn.

Tăng trưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại năm nay. Ảnh: Reuters

Tăng trưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại năm nay. Ảnh: Reuters

“Xu thế tăng trưởng toàn cầu là tín hiệu rất đáng mừng, nhưng hiện tại chưa phải lúc tự mãn”, ông Jim Yong Kim – Chủ tịch WB nói. Vị này cũng cho rằng đây là cơ hội đầu tư lớn vào nhân lực và cơ sở vật chất. Nếu các nhà hoạch định chính sách trên thế giới tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu, họ có thể giúp nước mình nâng cao năng suất, tạo thêm việc làm, hoàn thành sớm mục tiêu xóa bỏ nghèo cùng cực và chia sẻ sự thịnh vượng.

Tại Đông Á – Thái Bình Dương, tăng trưởng dự kiến cả khu vực dự kiến giảm xuống còn 6,2% năm nay, từ 6,4% năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng tại Trung Quốc sẽ chậm lại do tái cơ cấu, xuống còn 6,4% năm nay. Việc này sẽ ảnh hưởng phần nào mức tăng tại các nước còn lại trong khu vực.

Còn tại Việt Nam, tăng trưởng giai đoạn 2018 – 2020 được đánh giá vẫn mạnh, với 6,5% mỗi năm, nhờ sản xuất nông nghiệp và sản xuất định hưởng xuất khẩu. Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng nhanh và bộ đệm chính sách còn hạn chế vẫn là một rủi ro. Tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% cũng thấp hơn mức 6,81% năm 2017i.

Trên toàn cầu, WB cũng cho rằng về lâu dài, tăng trưởng tiềm năng – tính bằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong trường hợp lao động và vốn được sử dụng hoàn toàn – sẽ chậm lại. Việc này có thể đe dọa tiềm năng cải thiện mức sống và quá trình giảm nghèo trên thế giới. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu vẫn còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, như tài chính đột ngột thắt chặt, bảo hộ thương mại leo thang hay căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Hà Thu

vnexpress

BÌNH LUẬN