Anh đã tổ chức nhiều cuộc bàn thảo không chính thức về việc gia nhập TPP, nhằm kích thích xuất khẩu hậu Brexit.
Đề xuất tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được phát triển bởi Bộ Thương mại Quốc tế Anh. Nếu thành công, Anh sẽ là quốc gia đầu tiên trong TPP không giáp Biển Đông hoặc Thái Bình Dương.
Việc này cũng sẽ giúp hồi sinh TPP, sau khi Mỹ rút ra hồi tháng 1 năm ngoái. 11 nước còn lại trong TPP cũng đã thống nhất đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tháng 11/2017.
Anh đang tìm mọi cách bù đắp thương mại sau khi rời EU. Ảnh: Bloomberg |
Trên Financial Times, Greg Hands – Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế cho rằng không có rào cản địa lý nào ngăn Anh gia nhập TPP. “Những mối quan hệ đa quốc gia như thế này không có bất kỳ trở ngại địa lý nào”, ông nói. Các cuộc bàn thảo của Anh diễn ra trong bối cảnh quan chức Bộ Thương mại Quốc tế – Liam Fox lên đường sang Trung Quốc để tìm cách thu hút doanh nghiệp tại đây.
Dù vậy, việc Anh gia nhập TPP sẽ phải chờ tới sau khi nước này hoàn toàn tách khỏi Liên minh châu ÂU (EU) và TPP thống nhất được các sửa đổi chi tiết so với hiệp định ban đầu. Theo luật, Anh sẽ không thể ký bất kỳ hiệp định thương mại nào cho đến khi rời EU vào tháng 3/2019.
Quan hệ thương mại của Anh với các nước TPP khá nhỏ so với EU hoặc Mỹ. Tổng cộng, 11 nước còn lại trong TPP chỉ đóng góp chưa đầy 8% hàng xuất khẩu cho Anh năm ngoái. Trong khi đó, riêng Đức đã là 11%.
Giới chức các nước TPP kỳ vọng ký hiệp định sửa đổi vào đầu năm nay. Hiện tại, họ phải giải quyết một số vấn đề từ Canada. Một quan chức cho biết “còn quá sớm” để bàn bạc về sự gia nhập của Anh, trước khi nước này và EU đạt thỏa thuận Brexit.
Hà Thu (theo FT)