Ông Charoen giàu thứ nhì Thái Lan với tổng tài sản trị giá 19,3 tỷ USD và được gọi là “ông hoàng” M&A.
Với túi tiền rủng rỉnh nhờ sở hữu các doanh nghiệp đồ uống và bất động sản, Chủ tịch TCC Group – Charoen Sirivadhanabakdi được người Thái gọi là “ông hoàng” M&A.
Tỷ phú 73 tuổi này vừa tiếp tục khẳng định danh tiếng khi doanh nghiệp có liên quan tới ông – Công ty TNHH Vietnam Beverage chi 4,8 tỷ USD mua lại gần 54% cổ phần tại Sabeco – nhà sản xuất chiếm hơn một nửa thị phần bia Việt đầu tuần trước.
Charoen sinh ra trong một gia đình bán bánh xèo tại khu Chinatown ở thủ đô Bangkok. Vì vậy, việc ông tham gia vào ngành thực phẩm và đồ uống không có gì đáng ngạc nhiên.
Ông Charoen Sirivadhanabakdi và vợ. Ảnh: Nikkei. |
Sau khi học xong, “ông hoàng” M&A bán hàng rong trên đường phố. Tiếp đó, ông lại làm đầu mối cung cấp cho một nhà máy rượu.
Cuối những năm 1970 đầu 1980 khi Chính phủ Thái Lan cho phép tự do hóa ngành rượu, Charoen được cấp phép sản xuất rượu rum Sangsom. Sau đó, ông đã sáp nhập doanh nghiệp của mình với một hãng sản xuất rượu Mekhong của nhà nước. Hiện nay, cả hai thương hiệu này đều phổ biến và sống khỏe ở Thái.
Từ đó, tỷ phú này dần mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua các thương vụ M&A và hợp tác. Năm 1995, Beer Chang ra đời sau khi bắt tay với thương hiệu Carlsberg của Đan Mạch.
Thời điểm ấy, thị trường bia Thái do Boonrawd Brewery – nhà sản xuất bia Singha thống trị. Do đó, Charoen đã chọn cách bán bia Chang với giá rẻ hơn.
Nhờ chiến lược này, ba năm sau, bia Chang đã chiếm lĩnh 54% thị phần trong nước. Dù liên kết với Carlsberg chấm dứt vì vấn đề pháp lý năm 2003, bia Chang vẫn bán chạy hơn Singha. Loại bia này mới chỉ bị vượt mặt bởi Leo – sản phẩm rẻ hơn của Boonrawd Brewery.
Với khối tài sản trị giá 19,3 tỷ USD, ông Charoen là người giàu thứ nhì Thái Lan, sau Dhanin Chearavanont – Chủ tịch CP Group, theo Forbes.
Hiện tại, công ty TNHH Vietnam Beverage được nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do ThaiBev – doanh nghiệp hàng đầu của TCC Group sở hữu 100% vốn. Do đó, Sabeco đã trở thành “viên ngọc” mới nhất trong bộ sưu tập của ông Charoen.
Tập đoàn TCC Group hiện sở hữu hãng sản xuất đồ uống Oishi Group, chuỗi siêu thị Big C, Berli Jucker – công ty thương mại hơn 130 năm tuổi… Trong khu vực, TCC Group cũng điều hành Fraser and Neave (F&N) – hãng đồ uống ở Singapore.
Tại Việt Nam, F&N Dairy của tỷ phú Thái là cái tên không lạ, khi đang là nhà đầu tư ngoại ‘miệt mài’ mua lại cổ phần tại Vinamilk. Hiện F&N sở hữu hơn 19% tại doanh nghiệp chiếm thị phần sữa lớn nhất Việt Nam và vẫn tích cực mua thêm.
Ông Charoen rất quan tâm đến thị trường với hơn 90 triệu dân của Việt Nam. Gần ba năm trước, TCC Group đã thâu tóm toàn bộ chuỗi siêu thị Metro tại Việt Nam.
Các lĩnh vực hoạt động của TCC Group. Ảnh: Nikkei. |
Charoen thường không thích xuất hiện trước truyền thông. Trong lần hiếm hoi có mặt tại sự kiện khai trương một nhà máy ở Việt Nam năm 2012, ông cho biết đang cung cấp cho người tiêu dùng Việt sản phẩm đúng giá trị với số tiền họ bỏ ra.
“Chúng tôi phải cố gắng cung cấp nhiều lựa chọn cho sản phẩm nhất có thể. Và nó phải là những sản phẩm người Việt thực sự cần, không phải là những thứ đắt tiền”, Charoen nói với báo giới. Tại thời điểm đó, ông cũng nhắc đến Sabeco khi thể hiện sự quan tâm đến việc “xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn”.
Giống như nhiều ông trùm Thái khác, Charoen cũng có gốc Hoa. Tuy nhiên, ông không quan hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư tại Trung Quốc như CP Group. Trái lại, tỷ phú này rất thân thiết với các tổ chức tại Thái. Họ “Sirivadhanabakdi” của Charoen được Vua Thái Lan – Bhumibol Adulyadej ban tặng năm 1988.
Ngoài thực phẩm và đồ uống, TTC Group nắm giữ nguồn tài chính khổng lổ nhờ đất đai và bất động sản. Năm 2014, tập đoàn này sở hữu đất tư nhân lớn nhất với khoảng 100.800 ha tại Thái Lan. Con số này tương đương với hai phần ba diện tích thủ đô Bangkok.
Bên cạnh đó, TCC Group này cũng có nhiều trung tâm mua sắm, khách sạn và tổ hợp giải trí tại Thái Lan. One Bangkok – dự án mới nhất của tập đoàn sẽ trở thành khu phức hợp tư nhân giá trị nhất quốc gia này, với chi phí 120 tỷ baht (khoảng 3,6 tỷ USD).
Anh Tú (theo Nikkei)