Sau nhiều năm khá im ắng, bà chủ quán phở từng đón tổng thống Mỹ vừa tái xuất trong giới kinh doanh ẩm thực bằng món phở tôm hùm.
Về nước hơn 27 năm, cô Đào – tên gọi thân mật mọi người hay dành cho bà Huỳnh Mỹ Trúc Liên – trải qua không ít thăng trầm trong ngành kinh doanh ẩm thực tại TP HCM. Có cuộc sống ổn định và chuỗi nhà hàng đã tạo lập trên đất Mỹ, năm 1989, theo gợi ý của chồng là ông Huỳnh Trung Tấn, bà quyết định về Việt Nam.
“Lúc đầu, tôi không tưởng tượng được sao mình về Việt Nam. Động lực nào mà anh Tấn muốn về thiết tha vậy. Tôi nói với anh là tôi sẽ cùng về một chuyến rồi trả lời. Sau khi về, tôi cũng có cảm giác giống anh, dù lúc đó gặp nhiều khó khăn do con còn rất nhỏ”, bà Đào tâm sự về những ngày cách đây gần ba thập niên.
Thời gian đầu, bà cùng chồng phát huy hết sở trường vốn có đang áp dụng trên đất Mỹ để tạo lập sự nghiệp. Trong khi ông Tấn đi giảng dạy về nghiệp vụ quản lý nhà hàng khách sạn thì bà Đào, vốn là đầu bếp chính nhiều năm kinh nghiệm, đảm nhận xây dựng đội ngũ bếp và nhân viên.
Một loạt nhà hàng lớn của hai vợ chồng dần mọc lên và đón nhiều lãnh đạo, nguyên thủ các nước Mỹ, Nhật đến thăm như: Le Mekong, Vietnam House, Lemon Grass, Blue Ginger. Đối với những người sành ăn tại TP HCM, đây vốn là những tên tuổi “vang bóng một thời” và luôn có trong danh sách giới thiệu của các tạp chí du lịch thế giới khi nhắc đến ẩm thực của thành phố.
Cho đến nay, những thương hiệu này đối với bà Đào là một kỷ niệm lớn. Số ít đã đóng cửa khi chấm dứt sứ mệnh sau giai đoạn nhất định. Số khác thay tên, đổi chủ theo những “gập ghềnh” kinh doanh của gia đình.
“Lúc tôi cảm thấy không đủ sức chịu đựng và đi tới nữa thì chồng là người lúc nào cũng hướng mình đi tiếp, cho mình nghị lực. Nhờ vậy, hai vợ chồng luôn sánh vai mà đi. Nhiều hơn nữa, tôi nghĩ chắc là tình yêu hai vợ chồng với nhau và với Việt Nam nên mới giữ mình gắn bó tại đây lâu như vậy”, bà nói.
Bà Huỳnh Mỹ Trúc Liên, hay thường được gọi là cô Đào, bên tô phở tôm hùm giá gần 500.000 đồng. |
Đến cuối những năm 90, cho rằng ẩm thực Việt Nam chưa được nước ngoài biết nhiều, vợ chồng bà Đào ngồi suy tính để tìm một món đặc trưng, dễ quảng bá nhất. Và họ chọn phở. “Phở là mặt hàng bình dân những cũng rất đài các, nên chúng tôi làm phở”, bà chia sẻ.
Sau đó, bà Đào cùng chồng nhiều lần ngược xuôi để đi ăn các hàng phở danh tiếng lâu đời. Ngoài Bắc thì có phở Thìn, phở Nam Ngư. Trong TP HCM có phở Hòa, phở Lệ, phở Huyên, phở Khu phố 4. Quán nào vợ chồng cũng cùng nhau tìm đến để cuối cùng bà tự tạo ra công thức nấu phở của riêng mình.
Cuối năm 1999, Phở 2000 ra đời, được lấy tên để đón chào năm mới. Hương vị của thương hiệu này, theo bà Đào là không quá Bắc cũng không quá Nam hay Trung, mà phải để đại đa số người Việt, đặc biệt là người nước ngoài ăn được.
Những năm mới ra đời, Phở 2000 nổi tiếng khắp cả nước nhờ hai lần đón tổng thống Mỹ. Một lần là tổng thống Bill Clinton cùng con gái đến ăn nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam. Lần khác là đón tổng thống George H. W. Bush khi đã về hưu. Tuy nhiên, chục năm trở lại đây, Phở 2000 khá im ắng trong khi hàng loạt chuỗi kinh doanh phở mọc lên ở TP HCM.
“Tôi cũng từng phát triển thêm 4 cửa hàng vào những năm sau nhưng không thành công. Tôi nghĩ có lẽ do không đúng thời điểm, quá sớm cho thị trường. Ngoài ra, tôi quyết định ngừng phát triển chi nhánh vì thấy không giữ được chất lượng đồng đều như mình muốn. Thế nên giờ tôi chỉ giữ lại hai địa điểm ở trung tâm TP HCM mà thôi”, cô Đào nêu lý do.
Những ngày cuối năm 2017, ở tuổi với người khác đã là hưu và vui vẻ với con cháu, dù mọi việc kinh doanh giờ đã có con cái phụ giúp gánh vác nhưng bà Đào vẫn tất bật lắng nghe phản hồi của khách hàng để hoàn thiện thêm món ăn mới. Đó là phở tôm hùm có giá bán gần 500.000 đồng. Không bán tại Phở 2000, bà Đào đưa món này vào một nhà hàng cao cấp do gia đình mở gần đây để phù hợp với khách hàng mục tiêu.
“Làm trong nghề ẩm thực đã lâu nên tôi vẫn theo dõi xu hướng trên thế giới để cập nhật kiến thức và nâng cấp cho nhà hàng. Gần đây có một nhà hàng ở Las Vegas quảng cáo món phở tôm hùm rất thú vị. Tuy nhiên, tôi không thích lắm vì họ dùng nước súp phở bò. Sau đó, tôi bắt đầu thử nghiệm món phở này theo công thức riêng của mình”, bà Đào kể lại.
Nói là làm, bà ra miền Trung tìm nguồn tôm nguyên liệu ổn định để có hàng tươi đều đặn với giá gốc. Tô phở ngoài nguyên con tôm hùm nặng khoảng 400 gram còn có nghêu, đậu phụ, nấm ăn với nước dùng vị hải sản.
“Tôm hùm giá vốn đã rất cao nên thật sự món này lợi nhuận không nhiều. Nhưng chủ trương của nhà hàng là tạo điều kiện để khách thưởng thức món phở này nên tôi nghĩ giá 499.000 đồng mỗi phần là vừa phải”, bà nói.
Dù còn trong giai đoạn thăm dò phản ứng trong lần “tái xuất” thị trường phở, nhưng bà Đào khá lạc quan về triển vọng kinh doanh. Thậm chí, bà cho biết đang nghiên cứu thêm những món mới, nhưng tiêu chí là phải lạ vì thị hiếu của khách sành ăn người Việt và khách du lịch quốc tế ngày càng cao.
“Sau 27 năm định cư tại đây, tôi đã chứng kiến nhiều thay đổi, từ tư duy đến phong cách sống. Mọi người giờ đã tiến bộ và văn minh nhiều. Riêng về thị trường nhà hàng ẩm thực thì đã thực sự lên đến tầm mới. Thị trường này giờ có nhiều tài năng và nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Phần mình, nhiều bạn bè vẫn thắc mắc sao lại chọn về Việt Nam sống. Giản dị là vì tôi yêu Việt Nam!”, bà chủ thương hiệu phở danh tiếng một thời khép lại câu chuyện cho lần “tái xuất” này.
Viễn Thông