Sinh ra những “đế chế” mới nhưng cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng có thể đánh sập bất kỳ tượng đài kinh doanh vĩ đại nào trên thế giới.
Trung tuần tháng 9, gã khổng lồ bán lẻ đồ chơi và vật dụng cho trẻ em Toy “R” Us đăng ký bảo hộ phá sản với chính phủ Mỹ. Đây là một cú sốc lớn vì công ty bán lẻ 69 năm tuổi này đã xây dựng được một “đế chế” với 1.600 cửa hàng trên thế giới, doanh thu năm 2014 đạt 12,4 tỷ USD.
Không chỉ mình Toy “R” Us, nhiều công ty đã, đang và sẽ chịu chung số phận. Theo dự đoán, đến năm 2020 hơn 75% công ty trong S&P500 của Mỹ sẽ là những công ty chưa từng được biết đến. Tuổi thọ trung bình của các công ty trong S&P500 đang có xu hướng giảm theo thời gian.
Theo hai chuyên gia Nguyễn Quốc Toàn và Vũ Quốc Hiển thuộc EY Vietnam, đứng đằng sau sự thay đổi chóng mặt này là “cuộc cách mạng kỹ thuật số”. Các công nghệ của nó như một cơn bão cuốn phăng đi những đế chế bảo thủ và chậm thích ứng. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội lớn cho ai thức thời. Các doanh nghiệp non trẻ có thể nhanh chóng vươn lên trở thành những gã khổng lồ trước sự ngỡ ngàng của thế giới.
Tiêu biểu nhất phải kể đến Alibaba. Với doanh thu không đáng kể năm 2008, công ty này đã tăng trưởng doanh thu theo cấp số nhân lên 15,7 tỷ USD năm 2016, ước tính đạt gần 24 tỷ USD năm 2017 và tăng trưởng sẽ ở mức 45%-49% vào năm sau.
Cách mạng kỹ thuật số ảnh hưởng không đồng đều. Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ phải thay đổi chuỗi giá trị hiện tại và phát triển các sản phẩm mới, nếu không sẽ bị đào thải. Đó là truyền thông, viễn thông, tài chính, du lịch, vận chuyển và bán lẻ.
Các ngành ít bị ảnh hưởng hơn gồm công nghệ cao, ô tô, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ điện nước. Trong khi đó, các ngành ít bị ảnh hưởng nhất là hàng tiêu dùng và khai khoáng.
Các công nghệ chính đứng đằng sau cuộc cách mạng kỹ thuật số này được chia làm 4 nhóm: dữ liệu, sức mạnh tính toán; phân tích; kết nối và biến đổi số – vật chất.
Nhóm một bao gồm dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing), công nghệ blockchain, và an ninh mạng (cybersecurity). Nhóm hai bao gồm: học sâu (deep learning), máy học (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhóm 3 gồm điện thoại thông minh, truyền thông xã hội, IoT, sensor, nhận diện hình ảnh (visual recognition), nhận diện giọng nói (voice recognition), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Nhóm 4 gồm in 3D (3D printing) và rô bốt (robotics).
Các công nghệ kỹ thuật số tham gia vào mọi khâu trong chuỗi giá trị, từ phát triển sản phẩm đến cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, marketing và chăm sóc khách hàng. Việc ứng dụng kỹ thuật số có thể cải thiện hoạt động của doanh nghiệp qua 4 giá trị: cá nhân hóa, trải nghiệm, chất lượng, và sự tiện lợi.
Có một số ví dụ trong ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ. Nhà sản xuất rượu vang Cantina Volpone sử dụng công nghệ blockchain để nâng cao chất lượng và ngăn chặn hàng nhái. Công nghệ này cho phép lưu lại thông tin mà không thể bị sửa đổi. Do đó, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc bằng mã QR trên vỏ chai.
Hay như Amazon có sản phẩm thuộc nhóm IoT là Amazon Dash Button. Đây là một nút bấm nhỏ, được kết nối wifi. Khách hàng đặt nút bấm đó cạnh các sản phẩm tại nhà. Khi sản phẩm gần hết, khách hàng chỉ việc bấm vào nút để đặt mua thêm.
Theo EY Việt Nam, đa số công ty trong nước đang tiếp cận chiến lược kỹ thuật số theo hướng từ dưới lên (bottom up). Tức họ tìm kiếm những công nghệ đang có mặt trên thị trường. Sau đó, xem xét mình có thể áp dụng gì và liệu có khả năng phát triển công nghệ đó hay không. Hướng tiếp cận này dẫn đến việc coi chiến lược kỹ thuật số như là những ứng dụng đơn lẻ.
Trong khi đó, phương pháp tiếp cận đúng đắn hơn là từ trên xuống (top down). Đầu tiên, công ty xác định kỹ thuật số sẽ phá bỏ hệ thống hiện tại hay cải thiện hoạt động của hệ thống hiện tại. Tiếp theo, xác định kế hoạch kinh doanh kỹ thuật số với 3 khía cạnh gồm mô hình kinh doanh mới, trải nghiệm của khách hàng và cơ chế vận hành. Sau cùng, công ty sẽ quyết định là tự xây dựng năng lực kỹ thuật số, mua lại năng lực hay tìm đối tác chiến lược.
“Trong xu hướng ‘mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi’ của 2,6 tỷ người dùng điện thoại thông minh, doanh nghiệp nào lựa chọn những phương pháp truyền thống sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tăng trưởng, từ đó sẽ dần héo mòn và bị lãng quên. Công ty nào phát huy được thế mạnh của công nghệ số, dữ liệu và phân tích sẽ có được sự hiểu biết sâu sắc và trở thành người chiến thắng trên thị trường”, nhóm chuyên gia EY Việt Nam bình luận.
Viễn Thông (ghi)