Xuất hiện trên Shark Tank với vai trò là “cá mập” đầu tư vốn tiền tỷ cho các dự án khởi nghiệp, ông Trần Anh Vương lại đang đối mặt với hàng loạt khó khăn tại doanh nghiệp do ông nắm quyền điều hành.

Khi các “shark” bị thị trường “ăn thịt”

Chương trình “Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ” vừa ra mắt ở Việt Nam với tập đầu tiên phát sóng hồi trung tuần tháng 11 đã thu hút sự chú ý của dư luận. Đây không chỉ là cơ hội ngon ăn đối với các công ty khởi nghiệp mà nó còn truyền cảm hứng cho hàng loạt sinh viên, người dân bình thường đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Tiếp nối thành công của các chương trình trên toàn thế giới, Shark Tank Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nơi kết nối cộng đồng khởi nghiệp với các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp và là bệ phóng cho các doanh nhân khởi nghiệp rút ngắn con đường đến thành công.

Với vai trò là những “Shark” (cá mập), các nhà đầu tư sẽ thử thách doanh nghiệp tham gia qua nhiều vòng tuyển chọn, thuyết phục và thương lượng. Mỗi ý tưởng khởi nghiệp sẽ bị năm “shark” (gồm bốn nhà đầu tư chính và một khách mời) mổ xẻ, “xâu xé” để đưa ra được quyết định đầu tư đúng đắn nhất. Tuy vậy, chính những “Shark” của chương trình thời gian qua đã lần lượt gặp “khủng hoảng” kinh doanh ngay trong những ngày đầu lên sóng.

Đầu tư - Đầu tư tiền tỷ cho khởi nghiệp, “shark” Vương đang làm ăn ra sao?

Doanh nhân Hoàng Khải (Khải Silk) đã rút khỏi chương trình Shark Tank sau bê bối bán lụa “made in China”.

Trước khi tập đầu tiên lên sóng truyền hình, Shark Tank đã gặp “sự cố” khi khách mời là doanh nhân Hoàng Khải (Khải Silk) quyết định rút khỏi chương trình để tập trung vào các công việc của tập đoàn trong “tâm bão” bán hàng xuất xứ Trung Quốc gắn mác Made in Vietnam.

Mới gần đây, ông Trần Anh Vương – Trưởng ban tổ chức chương trình, một trong 4 nhà đầu tư chính cho các doanh nghiệp start-up, hàng loạt doanh nghiệp do ông đang dẫn dắt đang đối mặt với tình hình kinh doanh bết bát.

Khoản nợ 74 tỷ đồng bị rao bán

Đầu tư - Đầu tư tiền tỷ cho khởi nghiệp, “shark” Vương đang làm ăn ra sao? (Hình 2).

Doanh nhân Trần Anh Vương – một “cá mập” của chương trình Shark Tank 2017.

Ông Trần Anh Vương hiện đang nắm giữ nhiều chức vụ cấp cao tại hàng loạt doanh nghiệp như Tổng Giám đốc Sam Holdings (SAM), Chủ tịch CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (Generalexim, TH1), Thành viên HĐQT Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN), Thành viên HĐQT Nhựa Đồng Nai (DNP), Thành viên HĐQT Vật liệu Điện và Viễn thông Sam Cường (SMT), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư BVG (BVG).

Ngày 5/12, khoản nợ trị gía 74 tỷ đồng (gồm 64 tỷ nợ gốc và 10 tỷ đồng tiền lãi tính đến ngày 30/11/2017) của Generalexim đã bị ngân hàng rao bán công khai.

Đây là khoản nợ vay bằng ngoại tệ có tài sản bảo đảm cho khoản vay là Quyền đòi nợ luân chuyển trị giá tối thiểu bằng giá trị giới hạn tín dụng mà VietinBank Hà Nội cấp cho công ty Generalexim trị giá 80 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay.

Đầu tư - Đầu tư tiền tỷ cho khởi nghiệp, “shark” Vương đang làm ăn ra sao? (Hình 3).

Dự án chung cư Nguyễn Đức Cảnh của Generalexim do “cá mập” Vương làm chủ tịch.

Không chỉ có vậy, tình hình kinh doanh của Generalexim – doanh nghiệp do “shark” Trần Anh Vương làm Chủ tịch đã thua lỗ, sụt giảm nhiều năm nay.

Doanh thu của công ty từng nổi danh trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản (cà phê, hạt tiêu, điều…) bị sụt giảm 5 lần từ mức 1.500 tỷ đồng năm 2014 còn hơn 300 tỷ vào năm 2016.

Tính đến cuối quý 3/2017, Generalexim còn phải gánh lỗ lũy kế 140 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của công ty là 135,4 tỷ đồng. Năm 2017, Generalexim xác định lỗ 10,41 tỷ đồng và trong trường hợp không có thông tin tích cực đủ mạnh để thay đổi tình hình, mã chứng khoán TH1 của Generalexim sẽ phải đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc (lỗ 3 năm liên tiếp).

Trên thực tế, cổ phiếu TH1 cũng đang về đứng cùng hạng với các mã cổ phiếu “rau muống” khi giá của TH1 chỉ còn 5.900 đồng (tính giá chốt phiên ngày 7/12/2017) và nằm trong diện bị kiểm soát.

Có mặt “shark” Vương, SAM Holdings càng khó

Một doanh nghiệp khác thuộc hệ thống công ty do ông Trần Anh Vương quản lý cũng chịu tình cảnh thua lỗ là CTCP SAM Holdings – nơi tên tuổi “Shark” Vương được biết tới nhiều nhất. Tham gia chương trình Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ, SAM Holdings cũng đã thông qua nghị quyết đầu tư tối đa 10 tỷ đồng cho chương trình. Ngoài VinaCapital của “shark” nữ duy nhất Thái Văn Linh là 1 trong 2 quỹ đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, SAM Holdings cũng được coi là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vượt trội, tổng tài sản lên tới 4.000 tỷ đồng.

Lên sàn sớm, SAM đã tận dụng được giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ trong giai đoạn 2005-2007 để huy động được khoảng hơn 2.000 tỷ đồng – con số rất lớn vào thời điểm đó, thậm chí cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, việc sử dụng hiệu quả khối tài sản lớn này luôn là vấn đề nan giải của SAM, kể cả sau khi đã thay tên đổi chủ, đổi mới ban lãnh đạo trong vài năm gần đây. Theo tìm hiểu, ngay sau khi ông Vương nhậm chức Tổng giám đốc hồi tháng 5/2016, SAM Holdings báo lỗ hai quý liên tục, quý III lỗ 27 tỷ, quý IV lỗ gần 4 tỷ.

Ngoài nguồn thu lớn từ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cáp và vật liệu viễn thông, SAM Holdings còn “chơi lớn” trong sân chơi kinh doanh bất động sản và đầu tư tài chính. Đây cũng là căn nguyên khiến doanh nghiệp của “shark” Vương chịu cảnh thua lỗ. Cùng số phận với cổ phiếu TH1, cổ phiếu SAM cũng đang nằm trong vùng nguy hiểm khi đang giao dịch dưới mệnh giá, ở mức 7.800 đồng/CP. Thông tin tiêu cực về TH1 cũng đã ảnh hưởng khiến giá cổ phiếu SAM giảm ba phiên liên tiếp.

Một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tệ nhất trong hệ sinh thái doanh nghiệp của ông Trần Anh Vương phải kể đến CTCP Đầu tư BVG (trước đây là công ty TNHH Thép Bắc Việt sở hữu nhãn hiệu thép DAMSAN). Bài ca báo lỗ được BVG diễn từ năm này qua năm khác với con số từ vài tỷ đồng đến gần 20 tỷ đồng mỗi năm khi thị trường ngành thép xuất hiện nhiều “cá mập” khổng lồ sẵn sàng loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Báo cáo tài chính cho thấy, BVG đã có lịch sử 5 năm lỗ liên tục. Tính đến cuối năm 2016 – năm mà công ty cho rằng đã hoàn tất quá trình tái cơ cấu sang lĩnh vực sản xuất cơ khí (khung nhà bằng thép), xây dựng và lập dự án đầu tư, tư vấn đầu tư và dịch vụ tài chính… BVG vẫn lỗ lũy kế hơn 56 tỷ đồng – chiếm hơn một nửa vốn điều lệ (97,5 tỷ đồng).

Năm 2016, khi giá cổ phiếu xuống mức không tưởng – chỉ 1.000 đồng/CP, Chủ tịch Vương đã phải bán hàng triệu cổ phiếu BVG để giảm tỷ lệ sở hữu tại đây còn 10% vốn. Cho đến nay, sau nhiều nỗ lực, giá cổ phiếu BVG đã nhích lên mức 1.300 đồng/CP.

Đầu tư - Đầu tư tiền tỷ cho khởi nghiệp, “shark” Vương đang làm ăn ra sao? (Hình 4).

Trong chương trình Shark Tank 2017, “cá mập” Trần Anh Vương luôn chứng tỏ mình là một doanh nhân tính toán nhanh với những câu tính nhẩm về doanh thu, lợi nhuận, kỳ vọng sinh lời… của các ý tưởng khởi nghiệp.

Nhận xét về chương trình, ông Vương cho biết: “Gọi là sân chơi nhưng không thể diễn với tiền tỷ được. Cá mập áp lực không kém start-up trong từng vòng thương thuyết”.

Nắm trong tay nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, chắc chắn ông Vương biết mình cẩn phải làm gì để không thể “diễn với tiền tỷ” của nhà đầu tư. Trong chương trình, có thể ông là “shark”, nhưng trong thương trường ông lại đang là những con cá nhỏ dùng tiền của hàng trăm “shark” khác.

nguoiduatin

BÌNH LUẬN