Là địa phương miền núi Tây Bắc, Sơn La có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển kinh tế nhờ diện tích rộng, khí hậu ôn hòa và tiềm năng dồi dào từ hai con sông lớn. Tận dụng ưu đãi tự nhiên, Sơn La đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư đến với địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Sơn La năm 2017 |
Tiềm năng lớn
Là 1 trong 3 tỉnh có diện tích tự nhiên lớn (14.174 km2), dân số trên 1,2 triệu người, Sơn La – mảnh đất xinh đẹp và xanh mướt màu cây nơi miền Tây Bắc của Tổ quốc – có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và khí hậu.
Hiện nay, Sơn La có 927.000 ha đất nông nghiệp, với 2 cao nguyên rộng lớn là Mộc Châu và Nà Sản; 2 con sông lớn (sông Đà và sông Mã) chảy qua. Bên cạnh đó, Sơn La có lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La với diện tích hơn 400 km2; trên 500 hồ đập công trình thủy lợi, 35 dòng suối lớn nhỏ và 2.500 ha ao hồ để đầu tư phát triển thủy sản. Chưa kể, vùng đất này còn có tiểu vùng khí hậu thích hợp để phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là chăn nuôi bò sữa.
Tạo lợi thế phát triển kinh tế, hệ thống giao thông kết nối Sơn La với các tỉnh trong vùng ngày càng được nâng cấp như quốc lộ 6 nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Chưa kể, Sơn La còn có 2 cửa khẩu quốc gia (Cửa khẩu Lóng Sập, Cửa khẩu Chiềng Khương) kết nối với các tỉnh phía Bắc nước bạn Lào.
Ngoài ra, nhắc đến Sơn La không thể không nhắc đến tiềm năng dồi dào về thủy điện. Do nằm ở vị trí thượng nguồn của sông Đà và sông Mã, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, nhiều thuận lợi nên tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển thủy điện. Hiện nay, tỉnh đang khảo sát và đầu tư phát triển điện mặt trời, nhất là trên lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình.
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Dù có lợi thế như nhiều địa phương miền núi khác nhưng tiềm năng của Sơn La vẫn giống như một “nàng công chúa” đang ngủ say, chờ được “đánh thức”. Vì vậy, để tận dụng tối đa tiềm năng, đưa địa phương tiếp tục phát triển, nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) là điều không thể thiếu.
Với phương châm coi DN là khách hàng, đối tượng phục vụ, tỉnh Sơn La đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, thực hiện nghiêm túc 10 cam kết đã ký với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo đó, tỉnh cam kết giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhanh gọn, nhất là trong hoạt động đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đáng kể nhất, cam kết rút ngắn thời gian tiếp cận đất đai đối với nhà đầu tư. Nhiều thủ tục đã được rút ngắn từ 1.400 ngày xuống dưới 100 ngày. Bên cạnh đó, việc thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh đã giúp toàn bộ việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả ở các sở, ban, ngành tập trung tại một đầu mối. Mọi thông tin về tiến trình, thời gian giải quyết TTHC đều công khai, minh bạch. Đến nay, 100% TTHC được đưa ra thực hiện tại Trung tâm Hành chính công, tạo thuận lợi nhất cho DN và người dân.
Khánh thành Trung tâm Hành chính công |
Tỉnh đã chỉ đạo thành lập và công khai đường dây nóng của các sở, ngành để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về giải quyết TTHC. Đồng thời, tập trung xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối DN theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý, các sở, ban, ngành hỗ trợ bằng nhiều hình thức như trực tiếp, internet, điện thoại, tổ chức tập huấn… Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, vay vốn, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN.
Bằng hàng loạt các giải pháp quyết liệt, từ năm 2003 đến nay, Sơn La đã thu hút đầu tư 373 dự án đầu tư với tổng số vốn 26.540 tỷ đồng. Riêng năm 2016, tỉnh thu hút được 95 dự án, với tổng vốn đầu tư 3.886 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với năm 2015. 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh thu hút 57 dự án với vốn đăng ký đạt 4.432 tỷ đồng, bằng 3,6 lần so cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Sơn La năm 2017, tỉnh Sơn La đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 25 nhà đầu tư/28 dự án với tổng mức đầu tư 8.590,96 tỷ đồng; trao giấy cam kết đầu tư cho 17 nhà đầu tư/19 dự án với tổng vốn đăng ký 14.932,38 tỷ đồng. Trong đó, nhiều dự án đáng chú ý thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, điện, may mặc… Đây được coi là kỳ tích bởi cả số lượng, chất lượng dự án cũng như các lĩnh vực mà DN quan tâm đầu tư vào địa phương.
Để các dự án được triển khai đúng tiến độ và mang lại hiệu quả cao nhất, tỉnh Sơn La đang đề nghị cơ quan chức năng, nhà đầu tư sớm thực hiện các hạng mục để triển khai dự án. Nếu các dự án này được triển khai đúng tiến độ, bộ mặt của Sơn La trong tương lai sẽ có nhiều đổi thay.