Ngoài mức giá ngày càng rẻ và mẫu mã phong phú, loa thanh (soundbar) còn có thể đáp ứng đủ các nhu cầu nghe đa dạng của người dùng.

Phân vân nửa tiếng đồng hồ trong một cửa hàng âm thanh, anh Thành (Hà Nội) vẫn chưa quyết định được là nên mua một dàn loa thanh (soundbar) mới hay bộ loa nội địa Nhật cũ để về nghe dịp Tết năm nay. Ở nhà, chiếc TV 55 inch mới đã sắm được hơn một tuần nhưng do không ưng hệ thống loa nguyên bản, anh muốn có thêm một dàn loa ngoài.

“Loa thanh thì có thiết kế đẹp, đặt trong phòng hợp với TV, với lại còn tích hợp kết nối máy tính, điện thoại. Còn dàn loa nội địa thì mọi người vẫn khen là có chất âm hay”, anh chia sẻ.

Cùng với sự bùng nổ của thị trường TV màn hình lớn, loa thanh đang dần hiện diện nhiều hơn trong các gia đình Việt.

Cùng với sự bùng nổ của thị trường TV màn hình lớn, loa thanh đang dần hiện diện nhiều hơn trong các gia đình Việt.

Không chỉ riêng anh, nhiều người dùng cũng đang dần chuyển từ thói quen mua các dàn âm thanh cũ sang những hệ thống multimedia như loa thanh. Một phần vì sự phối trí đẹp mắt của chúng với các dòng TV màn hình lớn, phần vì giá cả đã trở nên dễ chịu và đa dạng về chủng loại hơn trước rất nhiều.

“Tôi định mua một chiếc TV tầm 35 triệu đồng và một dàn loa chủ yếu xem phim, nghe nhạc trong tầm giá 20 triệu đồng. Tôi đang phân vân giữa một bộ loa thanh và một dàn 5.1 cùng tầm giá. Tôi thích soundbar vì thiết kế gọn, kết nối không dây đỡ phức tạp, lằng nhằng”, thành viên Stevemai chia sẻ trên một diễn đàn mạng.

Các đây vài năm, các dòng loa thanh rất ít mẫu mã và đắt tiền, nhưng giờ đây, khái niệm này đã hoàn toàn thay đổi. Hiện người tiêu dùng có đủ các lựa chọn thương hiệu từ JBL, Bose, Bowers & Wilkins, MartinLogan cho tới LG, Samsung, Sony trong mọi khoảng giá từ vài triệu cho tới hàng chục triệu đồng. Với sự đa dạng về thiết kế, mẫu mã, chúng giúp thỏa mãn các nhu cầu khác nhau về trang trí lẫn kết hợp cùng TV ở đủ kích cỡ. Một bộ loa thanh cơ bản thường gồm loa chính và một loa siêu trầm (subwoofer) đi kèm, đôi khi có thêm các cặp loa nhỏ khác. Mục đích là tái tạo, giả lập các dải âm thanh đa dạng phục vụ cho các mục đích khác nhau như xem phim, bóng đá, nghe nhạc.

Công nghệ hiện đại được các nhà sản xuất liên tục áp dụng, đổi mới, phần nào rút ngắn khoảng cách giữa loa thanh và các loại dàn 5.1 hay hệ thống hometheater so với trước đây. Việc đa dạng các cổng kết nối (Optical Audio, HDMI, ARC, AUX, Bluetooth, NFC…) của loa thanh cũng mang lại sự thuật tiện lớn hơn cho người dùng so với các dàn âm thanh cũ.

“Thị trường các dàn âm thanh như soundbar sẽ mạnh hơn thị trường đồ ampli và loa thường. Dù chỉ mới ra đời cách đây vài năm nhưng nó có sức bật rất nhanh vì trong xã hội hiện đại, mọi người đơn giản chỉ cần một dàn âm thanh có thể nghe ngay sau khi cắm điện”, chủ một cửa hàng âm thanh chia sẻ.

Anh Thành cuối cùng đã bị tính năng kết nối với smartphone của dàn loa thanh thuyết phục bởi bản thân thường lưu trữ nhiều album nhạc riêng trên điện thoại cá nhân và rất muốn nghe chúng ngay khi vừa bước chân về nhà.

vnexpress

BÌNH LUẬN