Gia Lai, Sa Pa và Hà Giang tổ chức các lễ hội dựa trên nét đẹp đặc trưng của quê hương dịp cuối năm như hoa và tuyết.

Gia Lai

Con đường hoa dã quỳ dẫn tới chân núi lửaẢnh: Doãn Vinh.

Con đường hoa dã quỳ dẫn tới chân núi lửa ở xã Chư Đăng Ya. Ảnh: Doãn Vinh.

Lễ hội hoa dã quỳ sẽ lần đầu được tổ chức tại xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, từ ngày 1 đến 3/12. Các hoạt động gồm văn hóa như phục dựng lễ cúng giọt nước và tổ chức ca múa nhạc mang âm hưởng Tây Nguyên, trình diễn cồng chiêng… hay thể theo như thi “Đi bộ vượt đỉnh núi Chư Đăng Ya”, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co… Ngoài ra, lễ hội trưng bày các sản phẩm đặc trưng của Gia Lai, tổ chức các gian hàng ẩm thực, quầy lưu niệm phục vụ du khách tham quan.

Dã quỳ là loài hoa dại, mọc phổ biến tại xã Chư Đăng Ya, nơi cách thành phố Pleiku 30 km. Hoa nở rộ từ đầu tháng 11 đến hết tháng 12 hàng năm.

Sa Pa

sa-pa-to-chuc-le-hoi-mua-dong-gia-lai-co-le-hoi-hoa-da-quy-1

Tuyết phủ trắng xóa cả thị trấn vào đầu năm 2016. Ảnh: Triệu Thiết Nghĩa.

Lễ hội mùa đông Sa Pa năm nay sẽ được tổ chức vào hai đợt, 23-24/12 và 29-31/12 tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Các hoạt động gồm phun tuyết nhân tạo, chào năm mới 2018 và văn hóa, văn nghệ truyền thống của các dân tộc như hát giao duyên, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tổ chức các trò chơi dân gian, ẩm thực dân gian thu hút du khách. Điểm mới của lễ hội năm nay là có thêm lễ hội nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ.

Huyện Sa Pa cũng đang chuẩn bị cho lễ hội đường phố với hoạt động diễu hành, trình diễn giới thiệu nét đẹp trang phục văn hóa độc đáo các dân tộc, kết hợp múa lân, múa rồng trên các tuyến phố trung tâm vào đêm 31/12. Năm này là lần thứ hai lễ hội được tổ chức.

Hà Giang

sa-pa-to-chuc-le-hoi-mua-dong-gia-lai-co-le-hoi-hoa-da-quy-2

Hoa tam giác mạch là loài đặc trưng cho mảnh đất Cao nguyên đá. Ảnh: Phạm Đức Kiên.

Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ ba diễn ra từ tháng 11 đến hết tháng 12, trong đó khai mạc tối 24/11. Các hoạt động trong lễ hội gồm Hội chợ công viên địa chất quốc tế (22-26/11), ẩm thực bít-tết thịt bò trên cao nguyên đá (22-26/11), bay dù trên mùa tam giác mạch (2-3/12)… Ngoài ra, các huyện còn tổ chức trình diễn, giao lưu văn nghệ và các trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc.

Để chuẩn bị cho lễ hội, hoa tam giác mạch được trồng ở 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, mỗi huyện lại chọn 1-3 điểm để quy hoạch trồng hoa. Hầu hết đều gần mặt đường để khách tiện ngắm và chụp ảnh.

Vy An (tổng hợp)

vnexpress

BÌNH LUẬN