Quỹ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp… chiếm 50% mức chi ngân sách thường xuyên, tương đương hơn 31% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Sáng 22/11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, đã khảo sát tại Bộ Tài chính về các giải pháp tạo nguồn thực hiện điều chỉnh chính sách tiền lương.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh chính sách trong 14 năm qua (11 lần tăng mức lương cơ sở, bổ sung phụ cấp) đã làm tăng quỹ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp. Hiện mức này chiếm 50% mức chi ngân sách thường xuyên, tương đương trên 31% tổng chi ngân sách nhà nước.
Riêng giai đoạn 2010-2016, mức lương cơ sở điều chỉnh tăng 1,78 lần nhưng tổng quỹ lương và trợ cấp chi từ ngân sách tăng gần 2,2 lần. Trong đó, tiền lương khu vực sự nghiệp công chiếm tỷ lệ lớn nhất gần 43%, khu vực hành chính từ trung ương xuống huyện chiếm 7- 8%, cán bộ, công chức không chuyên trách cấp xã là 15%, người hưu trí được ngân sách đảm bảo khoảng 10% và còn lại 7% là cấp ưu đãi người có công.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tới đây phải trả lương theo cấp bậc, vị trí việc làm. Ảnh: VGP |
Quy mô biên chế đối tượng hưởng lương từ ngân sách tăng nhanh, nhất là đối tượng thuộc địa phương quản lý. Trong khi đó, nguồn bảo đảm trong những năm qua chủ yếu là ở ngân sách Trung ương và đang gây áp lực rất lớn khi thời gian tới ngân sách này phải tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển và chi trả nợ…
Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị Ban chỉ đạo các kế hoạch, giải pháp tạo nguồn cho cải cách tiền lương những năm tiếp theo, có tính tới cả giai đoạn sau năm 2020. Giải pháp cụ thể là trích tỷ lệ tạo nguồn từ tăng thu ngân sách, tiết kiệm 10% chi thường xuyên, sớm hoàn thành xác định vị trí việc làm, đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp, tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ Đề án cải cách tiền lương mà Ban chỉ đạo tập trung xây dựng trình Trung ương Đảng nhằm giải quyết các bất hợp lý “cào bằng, không kích thích lao động sáng tạo, không kiểm soát được thu nhập ngoài lương của cán bộ công chức, viên chức”.
“Trả lương phải theo cấp bậc, vị trí việc làm. Đề cao trách nhiệm trả lương của người đứng đầu, người sử dụng lao động gắn với năng lực, khả năng của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị”, Phó thủ tướng nói và đề nghị Bộ Tài chính xác định rõ cơ cấu chi thường xuyên (trừ quỹ lương) để đề xuất cắt giảm những khoản không phù hợp với thực tiễn, tạo thêm nguồn cải cách tiền lương.
“Cải cách tiền lương phải gắn với chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đầu mối cơ quan, đơn vị để kéo giảm các chi phí như khánh tiết, hành chính, điện, nước, tăng cường thuê các dịch vụ của tư nhân”, ông nói thêm.
Với cơ chế khoán chi để tạo nguồn cho người lao động có thu nhập tăng thêm, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng các đơn vị sẽ không tăng nhưng rất khó để giảm biên chế. Do đó, Bộ Tài chính cần nghiên cứu việc “siết” lại định mức dự toán ngân sách, xem xét giải pháp gắn việc giảm biên chế tương ứng với giảm cấp pháp ngân sách chi thường xuyên; đồng thời nghiên cứu tạo nguồn cho cải cách tiền lương một phần từ nền kinh tế “phi chính thức” như các giao dịch kinh tế không có chứng từ, hoá đơn…
Anh Minh