NASA sử dụng hệ thống hủy phóng LAS để cứu phi hành gia nếu tên lửa chở tàu Orion phát nổ.
Hệ thống Phóng Không Gian (Space Launch System – SLS), tên lửa khổng lồ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cao hơn tượng Nữ thần Tự do, dự kiến được phóng lên quỹ đạo vào đầu tháng 12/2019, theo International Business Times. Nhiệm vụ cuối cùng của SLS là đưa 4 phi hành gia trên tàu không gian đa mục đích Orion (Orion MPCV) tới sao Hỏa và xa hơn nữa.
Dù chuyến bay có người lái không diễn ra trước năm 2023, NASA đang tìm cách xây dựng Hệ thống hủy phóng (Launch Abort System – LAS) nhằm mục đích cứu sống phi hành gia và đưa họ đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết.
Hệ thống hủy phóng sử dụng kết hợp 3 động cơ để đưa phi hành gia đến nơi an toàn. Ảnh: NASA. |
LAS là cơ chế an toàn giúp đưa module phi hành đoàn của tàu Orion ra khỏi thiết bị phóng. LAS bao gồm hai bộ phận chính, thứ nhất là bộ phận lắp ráp hoặc lớp vỏ bọc có thể bảo vệ module khỏi nhiệt, gió. Bộ phận còn lại là tháp hủy phóng (launch abort tower) chứa 3 động cơ. Trong trường hợp khẩn cấp, các động cơ bị đốt cháy giống như tên lửa nhỏ đẩy module phi hành đoàn ra khỏi tên lửa phóng, sau đó điều hướng và đưa phi hành gia đến nơi an toàn.
Chức năng của hệ thống LAS dự kiến được kiểm tra trong buổi thử nghiệm vào tháng 4/2019. Tên lửa do công ty Orbital ATK chế tạo sẽ mang tàu thử nghiệm Orion nặng 10 tấn với đầy đủ chức năng LAS lên độ cao 9,7 km ở tốc độ 1.600 km/h. Sau khi đến độ cao theo yêu cầu, động cơ hủy phóng bắt đầu hoạt động, đẩy tàu thử nghiệm ra xa tên lửa phóng.
“Đây là lần duy nhất chúng tôi thử nghiệm hệ thống hủy phóng một cách đầy đủ. Việc xác minh rằng nó hoạt động như dự tính trong trường hợp khẩn cấp là bước đi quan trọng, trước khi chúng tôi đưa phi hành gia lên tàu”, Don Reed, chuyên gia làm việc tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của Nasa, cho biết.
Lê Hùng