Thời gian làm việc trung bình của người Mỹ đang giảm nhưng đa số người dân lại thấy ngày càng bận rộn đến mức không có chút thời gian rảnh.

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số giờ làm việc trung bình của người Mỹ đã giảm dần trong vài thập niên gần đây. Điều đó đồng nghĩa thời gian nghỉ ngơi của họ nhiều hơn.

Tuy nhiên, đó là lý thuyết. Ngày càng nhiều người Mỹ cảm thấy không còn có thời gian rảnh. Business Insider đã phân tích một vài nguyên nhân. Và thực tế, những hiện trạng này không chỉ là xu hướng chỉ có ở Mỹ.

Quan niệm về thời gian thay đổi

Khi người Mỹ rời khỏi kỷ nguyên công nghiệp để bước sang kỷ nguyên công nghệ thông tin, quạn niệm về thời gian của họ cũng thay đổi. Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, người Mỹ đã thật sự quy đổi giá trị thời gian ra tiền tệ. Nói đơn giản, “thời gian là tiền bạc” một cách đúng nghĩa. Đồng thời, con người cũng có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết để trở nên đa nhiệm, tức làm nhiều việc cùng lúc. Kết quả, họ cảm thấy thực sự lãng phí thời gian nếu hoàn toàn không làm gì cả.

“Đa nhiệm là điều khiến chúng ta cảm thấy bị áp lực trước thời gian”, Giáo sư Elizabeth Dunn của Đại học British Columbia nói với tờ Economist.

Xu hướng làm việc tại nhà tăng

Một nghiên cứu của Gallup tiến hành trên 15.000 người Mỹ vào năm 2017 cho biết có 43% số người cho biết ít nhất có dành một khoảng thời gian ở nhà để làm việc từ xa, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2012.

Mọi người cũng làm việc tại nhà thường xuyên hơn. Cụ thể, số người cho biết có làm việc tại nhà một hoặc hai lần mỗi tuần giảm so với năm 2012. Tuy nhiên, tỷ lệ người làm việc tại nhà từ bốn đến năm lần một tuần lại tăng, từ 24% lên 31%.

Thời gian làm việc tại văn phòng dài hơn

ly-do-nguoi-my-lam-ngay-cang-it-ma-lai-khong-luc-nao-ranh

Không ít công ty Mỹ muốn kéo dài thời gian làm việc của nhân viên. Một cuộc khảo sát 300 công ty Mỹ và Canada năm 2011 cho biết, gần hai phần ba mong muốn người lao động của mình làm việc lâu hơn trong ngày so với 3 năm trước đó.

Khoảng một nửa số công ty nói rằng họ mong đợi số giờ làm trong ngày dài hơn trong vòng ba năm tới. Tuy nhiên, một cuộc điều tra bổ sung cho biế,t các nhà tuyển dụng thật sự không hiểu rõ người lao động đang cảm thấy ảnh hưởng sức khỏe tinh thần thế nào khi bị kéo dài giờ làm.

Dành cả cuối tuần để làm việc

Một hệ quả cuộc công nghệ di động chính là con người có thể làm việc suốt ngày đêm, bao gồm thứ bảy và chủ nhật. Theo số liệu của OECD, tỷ lệ người Mỹ dành cuối tuần để làm việc nhiều hơn bất kể quốc gia nào khác.

Đơn cử, dữ liệu năm 2014 cho biết, 29% nhân viên tại Mỹ có làm việc vào cuối tuần ở một số thời điểm trong năm. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Đức là 25%, ở Tây Ban Nha là 10%.

Khi rảnh rỗi lại dán chặt vào thiết bị công nghệ

Cuối cùng, khi người Mỹ còn lại chút ít thời gian rảnh rỗi, họ lại có xu hướng lãng phí nó bằng cách dành thời gian cho điện thoại di động hay máy tính bảng.

Nhà tâm lý học Adam Alter của Đại học New York kết luận trong một công trình nghiên cứu rằng, thời gian người Mỹ dành cho các màn hình thiết bị tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Năm 2007, người ta chỉ dành một phần nhỏ thời gian rảnh rỗi cho các thiết bị. Đến năm 2017, tỷ lệ này bị đảo ngược. Người ta chỉ còn một phần nhỏ thời gian rảnh rỗi mà thật sự không dùng đến các thiết bị.

Phiên An (theo Business Insider)

vnexpress

BÌNH LUẬN