Bộ trưởng các nước thành viên đã đồng ý với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thông tin trên được cho biết tại cuộc họp báo công bố số phận của TPP sáng 11/11, do Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi chủ trì.

Trước báo giới, ông Trần Tuấn Anh cho biết các nước đã đạt được thỏa thuận và tên gọi mới của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời ra tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của TPP. Tuy nhiên, thoả thuận cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để bảo đảm cân bằng trong bối cảnh mới.

11-nuoc-dat-thoa-thuan-tpp-voi-ten-goi-moi-cptpp

Việt Nam với vai trò là nước chủ nhà đã hỗ trợ cho Nhật Bản tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng về vấn đề TPP. Ảnh: Viễn Thông.

Về cấu trúc, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản – Toshimitsu Motegi cho biết hiệp định mới sẽ tích hợp TPP, đình chỉ thực hiện 20 điều khoản trong hiệp định ban đầu, bổ sung các quy định về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai. Thỏa thuận có giá trị tương đương TPP 12 và sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được ít nhất 6 nước thông qua.

Các điều khoản bị đình chỉ thuộc nhiều lĩnh vực, từ Giải quyết tranh chấp đầu tư, Quyền sở hữu trí tuệ đến Điều kiện dự thầu. Bên cạnh đó, có 4 vấn đề sẽ được thống nhất trước thời điểm ký kết hiệp định, trên cơ sở đồng thuận giữa tất cả các bên, để việc tạm hoãn có hiệu lực.

Các Bộ trưởng đã nhất trí CPTPP là một hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước. Dựa trên tuyên bố này, các trưởng đoàn đàm phán sẽ tiếp tục xử lý một số vấn đề kỹ thuật hiện chưa được sự đồng thuận, cũng như rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết.

Kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực.

Ông Motegi nhận định việc đàm phán giữa 11 nước đã diễn ra tích cực suốt một năm qua, với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, họ đã đạt thành quả là CPCPP.

“Đây là thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ và các nước châu Á – Thái Bình Dương”, ông nhấn mạnh, “Đây là bước quan trọng để có TPP 12 trong tương lai”.

Trả lời câu hỏi về những khó khăn trong việc đàm phán, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết để có TPP, 12 nước đã mất nhiều năm thỏa thuận, xây dựng một hiệp định vừa có tiêu chuẩn rất cao, vừa làm hài lòng tất cả. Vì vậy, khi Tổng thống Mỹ – Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi TPP, các nước đã gặp khó khăn nhất định trong việc đạt đến điểm cân bằng mới. Vấn đề này được phản ánh qua mọi vòng đàm phán.

Tuy nhiên, với CPTPP, ông khẳng định: “Đoạn đường quan trọng nhất chúng ta đã đi qua” và “rất tin tưởng vào tương lai gần”.

Bộ trưởng Toshimitsu Motegi cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho biết để sớm đưa hiệp định vào thực thi, các quốc gia đều cần phải tích cực. Họ phải đồng thời đạt 2 mục tiêu khó là thời gian và chất lượng. Ông nhận định “Châu Á – Thái Bình Dương là trung tâm kinh tế lớn của thế giới” và hy vọng “thiết kế được bộ quy tắc mới tại sân chơi quan trọng này”.

Về tên gọi CPTPP, ông Motegi cho biết vì chuyển từ 12 sang 11 nước, họ đã thảo luận rất nhiều để đưa ra tên gọi này. “Về mặt bản chất, đây là hợp đồng cao hơn, tiến bộ hơn so với các hiệp định trước đây đã ký trên thế giới”, ông nói. Ông cũng không đưa ra câu trả lời chi tiết về việc Canada thay đổi thái độ vào phút cuối.

Trước đó, sự tồn tại của TPP-11 (tên gọi của hiệp định giữa 11 thành viên còn lại sau khi Mỹ rút lui) bị ngờ vực, khi một số quan chức cho biết Việt Nam đã bước ra khỏi một trong các vòng đàm phán, còn Thủ tướng Canada – Justin Trudeau thậm chí không tham dự cuộc họp lãnh đạo cấp cao các nước TPP sau đó.

Canada là nền kinh tế lớn thứ hai TPP, sau Nhật Bản. Họ cho biết muốn chắc chắn một thỏa thuận về bảo vệ việc làm. Bộ trưởng Thương mại- Francois-Philippe Champagne cũng giải thích sự vắng mặt của ông Trudeau trong cuộc họp chiều qua là do “nhầm lẫn về lịch trình”.

Song Thu – Viễn Thông

vnexpress

BÌNH LUẬN