Mặc dù đang đi trên “đại lộ” với không ít thành công, song nhiều doanh nghiệp Việt vẫn quyết định “rẽ ngang” sang con đường đi mới để thỏa mãn khát vọng kiếm tìm thêm thành công mới, dù biết không ít rủi ro, cam go.
Ảnh Internet |
Ví dụ, ông chủ Tập đoàn mía đường Thành Thành Công từng “lên núi” Lâm Đồng nuôi bò Kobe. Tập đoàn thép Hòa Phát “sang ngang” bước vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Bkav cho ra đời điện thoại Bphone, theo đuổi smartphone thương hiệu Việt. Vingroup làm nông nghiệp sạch và mới đây khai sinh Vinfast với tham vọng làm ôtô Việt…
Những sự mạo hiểm khai phá con đường mới của các đại gia tên tuổi được các chuyên gia kinh tế xếp vào “hạng” khởi nghiệp đặc biệt. Nhìn rộng ra thế giới, những chuyện khởi nghiệp đặc biệt như vậy không hiếm.
Chẳng hạn, tân CEO tìm ra cỗ máy kiếm tiền kinh khủng mới cho Uber: UberEats ship đồ ăn khắp 120 thành phố trên toàn cầu.
Số là, một chủ quán ăn ở New York luôn phải tự tay vận chuyển đồ ăn cho khách hàng với nhiều đơn đặt hàng từ xa. Khi bắt tay với dịch vụ vận chuyển bên ngoài UberEats – một mảng kinh doanh của gã khổng lồ Uber – các đơn hàng cứ tới tấp gửi đến, vượt xa mong đợi của chủ quán.
Thu hút chủ cửa hàng, nhận đơn hàng trực tuyến và chuyển thức ăn tới tay khách hàng, UberEats đã thâm nhập sâu lĩnh vực vận chuyển đồ ăn, rất nhanh “chiếm thế thượng phong” trên thị trường, tăng trưởng nhanh hơn các mảng dịch vụ vận chuyển khách. Dịch vụ UberEats hiện đang có mặt tại 120 thị trường toàn cầu, số lượng những đơn hàng được chuyển đi bởi tài xế UberEats tăng hơn 24 lần trong 1 năm, từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017. Tính tới tháng 7/2017, UberEats đã có lợi nhuận tại 27 trên 108 thành phố nơi họ hoạt động…
Khởi nghiệp và cơ hội kinh doanh luôn dành cho tất cả mọi người, từ “tân binh” đến “lão tướng”, miễn là có đủ khát vọng vươn lên.