Thị trường phát điện cạnh tranh sẽ vận hành trở lại từ 1/11 tới sau một tháng tạm dừng vì ưu tiên huy động nguồn điện khí giá cao.
Quyết định này được đưa ra tại cuộc họp rà soát tình hình vận hành hệ thống điện diễn ra ngày 27/10 tại Bộ Công Thương. Theo đó, căn cứ vào tình hình sản xuất , cung ứng điện toàn hệ thống trong tháng 10 và nhu cầu điện tháng 11, 12/2017, nhà điều hành quyết định sẽ vận hành trở lại thị trường phát điện cạnh tranh từ đầu tháng 11 sau một tháng tạm dừng để ưu tiên huy động nguồn điện chạy khí.
Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 10/2017 đạt hơn 17 tỷ kWh, tăng 7,7% so với cùng kỳ 2016. Luỹ kế 10 tháng, tổng lượng điện toàn hệ thống gần 165 tỷ kWh, tăng hơn 8,1% so với 2016.
Tổng lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 164,942 tỷ kWh, cao hơn 8,13% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng nước các hồ chứa thuỷ điện khu vực miền Bắc và Nam về cao hơn so với trung bình nhiều năm, giúp đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Cơ quan này dự báo, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện tháng 11 và 12 lần lượt là 11,2% và 11,76% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, diễn biến thuỷ văn 2 tháng cuối năm sẽ ít biến động hơn thời gian đầu năm, lưu lượng nước về nhiều hồ thủy điện sẽ thấp hơn nên ít có khả năng phải can thiệp vào quá trình vận hành các nhà máy thủy điện.
“Căn cứ các yếu tố này Bộ Công Thương đã xem xét và quyết định khôi phục vận hành Thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/11 tới”, Bộ Công Thương cho biết.
Sau 1 tháng dừng thị trường phát điện cạnh tranh để huy động nguồn điện khí giá cao, Bộ Công Thương đã quyết định vận hành trở lại thị trường này từ 1/11 tới. |
Trước đó, tại quyết định được ban hành cuối tháng 9, Bộ Công Thương cho biết tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh từ 1/10 đến khi có quyết định khôi phục lại thị trường này.
Lý do tạm dừng thị trường này sau gần 5 năm hoạt động nhằm phục vụ huy động tối đa các nhà máy nhiệt khí trong các tháng cuối năm 2017. Sau khi tạm dừng, việc vận hành hệ thống điện và thanh toán cho các nhà máy điện khác sẽ được thực hiện theo quy định Thông tư 30/2014 về thí điểm thị trường này.
Nếu dừng, tổng sản lượng điện mua của toàn thị trường tăng không đáng kể dù tăng mua của các nhà máy điện khí, theo Bộ Công Thương. Cơ quan này cho rằng, hiện phần lớn sản lượng điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua chủ yếu thông qua các hợp đồng giữa tập đoàn này và các nhà máy điện (hợp đồng PPA) và khoảng 10-20% được mua theo hình thức chào giá trên thị trường điện cạnh tranh (CGM).
Tính toán của Bộ này cho thấy, trường hợp huy động tối đa các nhà máy điện khí trong 3 tháng còn lại của năm 201,7 tổng sản lượng các nhà máy điện khí tăng thêm 189 triệu kWh, chiếm khoảng 0,094% so với tổng nhu cầu phụ tải điện cả nước. Vì thế việc khai thác thêm các nhà máy điện khí ảnh hưởng rất nhỏ đến chi phí phát điện chung của toàn bộ hệ thống.