Hàng loạt hiệp định thương mại tự do khiến xe sản xuất tại Australia không thể cạnh tranh nổi với xe nhập khẩu từ Thái Lan.
Cánh cửa đã đóng lại vĩnh viễn với ngành sản xuất ôtô một trăm năm tuổi của Australia. Hôm qua, Holden – thương hiệu do General Motors gây dựng tại Australia – đã đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Elizabeth (Nam Australia), chỉ 2 tuần sau khi nhà máy của Toyota tại bang Victoria gần đó ngừng hoạt động. Và một năm trước đó, dây chuyền lắp ráp của Ford cũng đã ngừng lại.
Holden và Toyota có thể cầm cự lâu hơn Ford 12 tháng, vì hai công ty này có sản lượng cao hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng cũng chẳng thể đủ giúp họ tồn tại trong dài hạn.
Họ có thể đều là các thương hiệu đa quốc gia. Tuy nhiên, 3 thương hiệu đã giúp định hình văn hóa và phát triển quốc gia này. Ford là hãng xe đầu tiên có nhà máy tại Australia, từ năm 1925. Trước đó, từ năm 1904, họ đã bán xe sang nước này.
Một dây chuyền lắp ráp của Holden tại Adelaide (Australia). Ảnh: Bloomberg. |
Holden ban đầu là một công ty sản xuất yên ngựa vào cuối thế kỷ 19. Sau đó, đến đầu thế kỷ 20, họ chuyển sang chế tác thân xe. Đến năm 1936, Holden lắp ráp xe cho GM, trước khi đại gia ôtô Mỹ này mua lại cả công ty và giúp Holden tự sản xuất chiếc xe đầu tiên năm 1948.
Trong khi đó, Toyota đã sản xuất xe tại đây từ năm 1963 và là hãng ôtô lớn nhất nước này trong 10 năm qua. Toyota cũng lã hãng xe xuất khẩu lớn nhất tại đây, với tổng số xe xuất đi trong 16 năm lớn hơn cả Holden trong 63 năm và Ford trong 91 năm. Họ cũng là công ty duy nhất xuất khẩu được hơn một triệu chiếc.
Australia là nước đầu tiên ngoài Nhật Bản mà Toyota chọn mở nhà máy. Đây cũng là lý do vì sao công ty này rất nỗ lực giữ nhà máy hoạt động. Toyota Australia có các đơn hàng lớn để duy trì. Tuy nhiên, họ cuối cùng cũng vẫn không thành công.
Nhiều thập kỷ qua, ngành công nghiệp ôtô Australia đã tạo ra việc làm cho nhiều thế hệ lao động. Tuy nhiên, chỉ trong 10 năm qua, ngành này đã phải nhận hỗ trợ hơn 5 tỷ đôla Australia từ Chính phủ.
Xe của Holden diễu hành trên đường phố Elizabeth (Adelaide) cuối tuần trước. Ảnh:Holden |
Các chuyên gia nhận định cái chết của ngành này là không thể tránh khỏi, sau hàng loạt hiệp định tự do thương mại song phương trong hai thập niên gần đây. Tổng cộng, kể từ 1997, Australia đã ký 10 hiệp định. Kéo theo đó, thuế nhập khẩu ôtô vào nước này cũng giảm từ 15% năm 2000 xuống còn 5%.
Việc này đã khiến thị trường Australia tràn ngập xe ngoại, với giá rẻ hơn, tính năng cao hơn, hoặc thậm chí cả hai. Ở Australia giờ có nhiều thương hiệu xe hơn cả EU, Anh, Mỹ hay Nhật Bản.
Việc này đã ăn mòn thị phần của các hãng có nhà máy tại Australia. Thời đỉnh cao, Holden sản xuất 165.000 xe năm 2004, Ford làm 155.000 chiếc năm 1984, còn Toyota xuất xưởng 148.000 chiếc. Nhưng năm ngoái, cả 3 hãng này chỉ bán được tổng cộng 87.000 chiếc sản xuất trong nước.
Không nhà máy xe hơi nào trên thế giới có thể tồn tại với con số nhỏ như vậy, trừ các thương hiệu xe sang với giá cắt cổ. Tại Anh, ngành xe hơi vẫn có thể tồn tại nhờ xuất khẩu được 8 trên 10 chiếc sản xuất. Năm ngoái, họ xuất được 1,35 triệu xe trên 1,7 triệu chiếc làm ra.
Nhưng trong trường hợp của Australia, họ cũng không thể xuất khẩu để thoát khó. Vì vậy, quanh họ là các nước đang phát triển với chi phí nhân công rẻ hơn rất nhiều. Lương tối thiểu tại Thái Lan – được coi là Detroit của châu Á – Thái Bình Dương – chỉ gần 2 đôla Australia mỗi giờ. Lao động tại dây chuyền lắp ráp xe hơi được trả hào phóng hơn – khoảng 6 AUD, tương đương 12.500 AUD một năm. Tuy nhiên, con số này không thể so sánh với lương bình quân của công nhân xe hơi Australia – 69.000 AUD một năm.
Trong tất cả Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Australia đã ký với các nước khác, không thỏa thuận nào gây thiệt hại lớn như FTA với Thái Lan năm 2005. Kể từ khi Australia đồng ý bỏ thuế nhập khẩu xe từ Thái Lan, hơn 2 triệu chiếc đã được nhập khẩu, từ cả các thương hiệu quen thuộc với người Australia, như Ford, Holden và Toyota đến Honda, Nissan, Mitsubishi, Mazda và nhiều hãng khác.
Ngược lại, Australia chỉ xuất được sang Thái Lan 100 chiếc Ford Territory. Giới quan sát cho rằng nguyên nhân là Thái Lan vẫn duy trì nhiều rào cản phi thuế quan, trong khi Australia mở cửa hoàn toàn. Thái Lan giờ là nguồn xe lớn nhì cho Australia, chỉ sau Nhật Bản.
*Nhà máy của Holden đóng cửa
Sức ép lên các hãng xe tại đây ngày càng lớn. Lần lượt trong hai năm 2013 và 2014, Ford, Holden và Toyota tuyên bố sẽ ngừng sản xuất. Khi ấy, 3 hãng này chỉ có khoảng 11.000 nhân viên trực tiếp, theo số liệu của Productivity Commission – một cơ quan chính phủ Australia. Và đến hôm qua, ngành này chính thức bị khai tử.
Cuối tuần trước, hơn 25.000 người đã tham dự một cuộc diễu hành tại Elizabeth (Adelaide, Nam Australia), trong đó có cả các công nhân cũ và hiện tại của Holden, để xem 1.200 mẫu xe cổ đi trên đường. Chiếc cuối cùng được sản xuất hơn 50 năm sau khi nhà máy của Holden tại đây mở cửa.
Ngành công nghiệp ôtô đóng vai rất quan trọng với Nam Australia. Khi bị khai tử, nó sẽ để lại khoảng trống lớn về kinh tế, đầu tư và nhân lực tại bang này. John Spoehr – Giáo sư Kinh tế tại Viện Chuyển dịch Công nghiệp Australia cho biết: “Holden đã đóng góp hàng tỷ USD cho South Australia”.
“Nếu Australia tỉnh táo, ngành công nghiệp ôtô có lẽ đã tồn tại được rồi, và có thể tận dụng các công nghệ mới, như xe không người lái hay xe chạy cả điện và xăng”, Tim Harcourt – nhà kinh tế học tại Trường Kinh doanh UNSW thuộc Đại học New South Wales nhận xét trên Bloomberg, “Australia đã thất bại. Khiến ngành xe hơi chết dần đúng là điều rất đáng buồn”.
Hà Thu