Axit aristolochic trong các cây chi mộc hương nam xuất hiện trong hàng trăm mẫu ung thư gan được kiểm nghiệm tại châu Á.

Thuốc bắc vốn được sử dụng rộng rãi ở châu Á nhưng lại “liên quan mật thiết” đến ung thư gan do chứa axit aristolochic, Channel News Asia dẫn lời các nhà khoa học Singapore và Đài Loan ngày 19/10.

Trên tờ Science Translational Medicine, nhóm tác giả cho biết axit aristolochic có trong các cây thân gỗ thuộc chi mộc hương nam (aristolochia), được dùng làm thuốc ngừa ký sinh trùng và thúc đẩy quá trình chữa lành lúc sinh nở.

Để xác định mối liên hệ giữa axit aristolochic với ung thư gan, các nhà khoa học đã kiểm tra hàng trăm mẫu u và phát hiện 78% trên 98 bệnh phẩm ở Đài Loan xuất hiện đột biến điển hình, chứng tỏ khả năng cao tiếp xúc với hóa chất. Tại Trung Quốc, tỷ lệ này là 47% trên 89 mẫu u gan.

Ở Việt Nam, năm trên 26 mẫu u được kiểm nghiệm, tương đương 19% có dấu vết của axit aristolochic. 56% trong số chín khối u khác từ khu vực Đông Nam Á cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Trái ngược với châu Á, chỉ 5% trên 209 mẫu ung thư gan ở Mỹ và 1,7% trên 230 mẫu ung thư gan ở châu Âu nhiễm axit aristolochic. Nguyên nhân do thuốc bắc ít phổ biến ở phương Tây. Nhóm tác giả kết luận việc tiếp xúc với axit aristolochic từ các bài thuốc bắc có vẻ đã làm tăng nguy cơ ung thư gan ở châu Á.

Đây không phải lần đầu tiên giới nhà khoa học cảnh báo axit aristolochic gây hại cho cơ thể. Trước đây, một số công trình chỉ ra chất này gây suy thận và ung thư tiết niệu.

Năm 2003, Đài Loan ra lệnh cấm một số sản phẩm sử dụng mộc hương nam song không áp dụng triệt để khiến người dân khó nhận biết và tránh dùng.

Minh Nguyên

Vnexpress

BÌNH LUẬN