Nếu chấp nhận một sản phẩm có chút khiếm khuyết ngoại hình nhưng giá rẻ, chất lượng đảm bảo, hàng trưng bày là một lựa chọn đáng cân nhắc.

Tại một cửa hàng điện máy ở quận Cầu Giấy, chị Loan (Hà Nội) muốn mua một chiếc tủ lạnh nhỏ cho gia đình. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng cho biết đã không còn mẫu này trong kho và chỉ có một lựa chọn duy nhất là mua chính sản phẩm đang được trưng bày. Chị cho biết khá đắn đo vì dù vẫn được bảo hành đồng thời giảm 15% giá nhưng sẽ không có quà tặng đi kèm như khi mua mới, đồng thời trên cửa tủ cũng có một vết xước nhỏ.

“Giá thấp hơn hàng mới nhưng không còn quà tặng, rồi còn vết trầy nên tôi hơi phân vân”, chị nói. Lo lắng của chị Loan cũng là mối băn khoăn chung của nhiều người khi được đề nghị mua đồ trưng bày.

co-nen-mua-hang-dien-may-trung-bay

Tại các cửa hàng điện máy, đồ trưng bày chỉ bán khi không còn hàng tương tự trong kho. Chúng thường có mức giá rẻ hơn một chút so với hàng nguyên đai nguyên kiện bởi đã bị bóc hộp, qua tay nhiều khách hàng kiểm tra trải nghiệm và đôi khi có thể gặp một vài vết trầy xước do va chạm. Do đã được đưa lên kệ nên hàng trưng bày cũng thường bị thiếu thùng, hộp và phụ kiện do không thể bảo quản tốt như hàng chưa bóc mở. Đôi khi, một số sản phẩm mới đã ngừng kinh doanh nên các siêu thị cũng không có nhu cầu giữ lại hàng trưng bày, do đó có thể bán rẻ đi để lấy chỗ cho các sản phẩm khác.

Do đây không phải hàng đổi trả mà là sản phẩm hoàn toàn chính hãng, vẫn có bảo hành đầy đủ lại có giá thấp hơn giá gốc vài trăm hoặc tới cả triệu đồng nên loại hàng này được khá nhiều người tiêu dùng chú ý. Tuy nhiên, không phải ai cũng nên mua loại hàng trưng bày này.

Anh Phạm Thế Minh, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện máy, cho biết: “Hàng gia dụng, điện máy trưng bày hoàn toàn có thể mua được trừ TV. Bởi TV trong các siêu thị thường bật rất lâu, chạy ở chế độ showroom nền phải hoạt động hết công suất, nhiều gấp vài lần so với sử dụng trong gia đình. Còn các sản phẩm khác như máy giặt, tủ lạnh… mua được miễn là hình thức không sao, bảo hành còn nguyên”.

Chuyên gia này cũng nói thêm rằng nếu mua hàng trưng bày nên cân nhắc về giá. Chỉ nên mua khi giá bán giảm từ 20% đến 30% bởi nếu chỉ giảm 5-10%, người dùng hoàn toàn có thể tìm đến cửa hàng khác để có giá bán thấp tương tự. Ngoài ra, anh Minh cũng khuyên rằng với các phụ tùng, phụ kiện đi kèm thì quan trọng nhất là phải đảm bảo đủ những thứ hỗ trợ thiết bị hoạt động (ví dụ máy sinh tố nếu có tặng kèm lưỡi dao thì phải đủ), còn những thứ như thùng, vỏ hộp, catalog… không quan trọng vì hầu hết mọi người đề đem bỏ sau khi mua về.

Chị Loan sau khi cân nhắc đã quyết định chuyển sang một cơ sở điện máy khác để tìm kiếm một sản phẩm mới hoàn toàn và chưa bóc hộp bởi không cảm thấy thoải mái với mức giá ưu đãi cũng như khiếm khuyến bên ngoài của sản phẩm trưng bày.

Trên thực tế, các nhãn hàng cũng rất để tâm tới việc bán hàng trưng bày bởi không một công ty nào muốn người dùng trải nghiệm một sản phẩm kém chất lượng, nhất lại là hàng trưng bày là thứ đính kèm “mặt mũi” của thương hiệu.

Như vậy, nếu chấp nhận việc sử dụng một sản phẩm có thể hơi xây xước, không còn nguyên thùng hộp nhưng vẫn còn thời gian bảo hành dài, có mức giá giảm lớn từ 20-30%, người dùng hoàn toàn có thể tìm kiếm các sản phẩm trưng bày được bán lại. Còn với những người dùng khắt khe muốn sử dụng một sản phẩm hoàn hảo không khiếm khuyết, hàng trưng bày là thiết bị không cần để mắt tới.

Nguồn: vnexpress

BÌNH LUẬN