Một câu chuyện hay sẽ khắc sâu thông tin đến người nghe, tạo nên sự khác biệt giữa các công ty khởi nghiệp.
“Không gì thuyết phục công chúng tốt hơn là kế hoạch kinh doanh khả thi cùng những ý tưởng sáng tạo và khả năng biến tất cả những điều trên thành sự thật”, theo Reddal – công ty Phần Lan với 7 năm kinh nghiệm áp dụng mô hình “Dịch vụ phát triển kinh doanh” vào hơn 100 dự án cho các khách hàng trên 40 quốc gia toàn cầu.
Tuy vậy, đôi khi mọi thứ có thể được bắt đầu đơn giản từ cách các doanh nhân khởi nghiệp kể câu chuyện về startup của mình như thế nào. Reddal cho rằng hình thức thông tin được trình bày dưới dạng một câu chuyện là cách xử lý thông tin tự nhiên nhất cho bộ não của con người.
Cũng giống như xây một căn nhà, một bài thuyết trình thuyết phục phải xây dựng theo kết cấu vững chắc, gồm tình huống – khó khăn – giải pháp.
Có 3 điểm các startup nên lưu ý khi xây dựng câu chuyện: thông điệp rõ ràng và súc tích; có tính kết nối giữa các thông tin và thứ ba; người truyền đạt cần truyền được cảm hứng cho người nghe.
Một bài thuyết trình thành công nếu gây chú ý cho người nghe, đưa ra góc nhìn sâu sắc và từ đó có thể kêu gọi hành động.
Startup cần ghi nhớ rằng không phải tất cả nhà đầu tư đều là chuyên gia trong lĩnh vực của bạn, nên cần truyền đạt ý tưởng của mình một cách mạch lạc và dễ hiểu nhất.
Kỳ vọng từ nhà đầu tư nên được thể hiện ở tỷ lệ sở hữu hấp dẫn, tiềm năng kinh doanh, chỉ tiêu tài chính, cơ cấu chi phí, thời gian hoàn vốn và khả năng mở rộng kinh doanh. Các startup cần hiểu rõ bước cần thiết và rủi ro tiềm ẩn cũng như khung thời gian dự kiến cho kế hoạch đề ra.
Hiểu được sự kỳ vọng từ nhà đầu tư giúp các doanh nhân khởi nghiệp tự tin hơn, xác định và tiếp cận đúng người sẽ đồng hành với mình trong quá trình kinh doanh, tập trung vào những điều cốt lõi.
Phương Nguyên
Nguồn: vnexpress