Ông Phạm Duy Hiếu cho rằng, sự đam mê, sáng tạo, ý tưởng của startup Việt thu hút cộng đồng quốc tế.

Giám đốc điều hành Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam – Phạm Duy Hiếu chia sẻ những cơ hội, thách thức cho startup Việt.

Thời điểm hiện tại, khởi nghiệp bùng nổ, có chiều sâu và sự kết nối, với sự tham gia của nhiều cố vấn, nhà khởi nghiệp và nhà đầu tư thiên thần. Nhiều dự án để lại những bài học cho thị trường. Ngoài ra, tiếng nói, sự đồng hành, cam kết và quan tâm của Nhà nước đã thực sự tác động đến môi trường khởi nghiệp nói chung.

Tuy nhiên, trong quá trình làm cố vấn và gặp gỡ nhiều startup, tôi nhận thấy các doanh nghiệp trẻ quá chú tâm vào sản phẩm mà quên mất tiếng nói của thị trường. Nhiệm vụ của người kinh doanh là giúp khách hàng giải quyết vấn đề, không phải bán thứ mình đang có hay thuyết phục ai đó sử dụng sản phẩm của mình. Như vậy bạn phải gặp và hỏi xem vấn đề của họ là gì mới giúp đỡ được cho họ. Khi đó khách hàng mới trả công cho bạn.

Ý tưởng và thị trường là hai vế không loại trừ nhau. Bên cạnh đó, khởi nghiệp còn cần đội ngũ, tính công nghệ, kênh phân phối, mối quan hệ khách hàng… Cơ hội dành cho startup Việt nằm ở những vấn đề trong cuộc sống. Đó có thể là an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, ách tắc giao thông…

Nói đến tỷ lệ thất bại đến trên 90% của khởi nghiệp, tôi cho rằng đó chỉ là thất bại của ý tưởng. Một ý tưởng từ lúc ra đời phải trải qua nhiều lần chỉnh sửa thay đổi cho phù hợp.

Con người chỉ thất bại khi đồng ý là mình thất bại và bỏ cuộc. Cứ một lần ý tưởng không thành công thì bạn sẽ học được một bài học nào đó và giỏi giang hơn. Giống như cầu thủ có thể thua một trận, hai trận hay ba trận đấu nhưng anh ta đang giỏi hơn. Thành công của một con người đến từ sự trưởng thành của họ.

giam-doc-quy-khoi-nghiep-startup-viet-khong-thua-kem-cac-nuoc

Ông Phạm Duy Hiếu cho rằng khởi nghiệp tại Việt Nam đang đi vào chiều sâu. Ảnh: NVCC.

Tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, những người có điều kiện quan sát chung về thị trường khởi nghiệp trong nước và quốc tế, tôi nhận được phản hồi là startup Việt không thua kém nước ngoài. Sự đam mê, sáng tạo, ý tưởng sắc sảo và điên rồ của họ đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Cá nhân tôi đánh giá cao giới khởi nghiệp trong nước với đam mê, nhiệt huyết, tính kết nối và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau.

Dự đoán 5 năm nữa môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ bùng nổ và lan ra nhiều tỉnh thành. Nông nghiệp và công nghệ thông tin là hai lĩnh vực tôi đánh giá có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Trong đó, nông nghiệp đang là nòng cốt trong các hoạt động của Quỹ khởi nghiệp Việt Nam (SVF).

Lý do là Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành này sẽ giúp tái tạo hệ sinh thái bởi môi trường đang bị nhiễm độc qua những phương thức canh tác, sản xuất không đúng cách. 100% những thứ con người sử dụng là sản phẩm nông nghiệp. Nếu dùng không đúng cách, bạn sẽ hủy hoại sức khỏe và đe dọa tính mạng của nhau.

Ngoài ra, tôi và cộng sự mong muốn là một người bạn của cộng đồng, hệ sinh thái khởi nghiệp và những tỉnh thành hay địa phương muốn kêu gọi khởi nghiệp. Từ đây giúp các sản phẩm Việt Nam đi khắp thế giới, nơi các nhà đầu tư trên thế giới đến và chọn được những bạn tâm huyết.

Để tiến đến những bước đi xa hơn ấy, tôi cho rằng giáo dục khởi nghiệp là một yếu tố quan trọng. Việc này được thể hiện qua các chương trình cố vấn với người đi trước dìu dắt người theo sau hay những lớp truyền cảm hứng. Nếu không có giáo dục khởi nghiệp hay thực hành thì startup khó có thể thành công.

Ông Phạm Duy Hiếu từng được biết đến là Tổng giám đốc trẻ nhất ngành ngân hàng Việt Nam khi trở thành CEO của VietABank và sau đó là ABBank khi mới 34 tuổi. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ tài chính, lưu thông tiền tệ và tín dụng và Cử nhân Đại học Ngoại ngữ. Ông Hiếu từng trải qua các vị trí quản lý cấp cao tại các ngân hàng, tổ chức tài chính như: Vietcombank, Sabeco Fund Management, IPA Investment, Vincom và VNDirect Securities…

Trương Sanh

Nguồn: vnexpress.net

BÌNH LUẬN