Người tiêu dùng sẽ tin sản phẩm hơn nếu nghe nhận xét từ người nổi tiếng hay khách hàng từng mua thay vì những lời “quảng cáo có cánh”.
Theo báo cáo Tetra Pak Index 2017, trong giai đoạn lòng tin dễ rơi vào khủng hoảng như hiện nay, người tiêu dùng ngày càng tin vào “những người như chúng tôi”, tức những người thật, cùng chia sẻ những giá trị, sự ưu tiên và quan điểm trong cuộc sống.
Những thông tin từ bên thứ ba, những nhận xét từ người tiêu dùng độc lập đang trở thành nguồn ảnh hưởng quan trọng tiếp theo đối với người tiêu dùng.
Trong xu thế đó, sức ảnh hưởng của “Người dẫn dắt” (Super Leaders) ngày càng tăng. “Người dẫn dắt” được định nghĩa là nhóm người hoạt động tích cực, quan hệ rộng và có tầm ảnh hưởng lớn trên cộng đồng kết nối internet nói chung và mạng xã hội nói riêng.
Báo cáo cho hay, mặc dù chỉ chiếm khoảng 7% lượng người dùng trực tuyến, nhưng đây là những người tiêu dùng kết nối có hoạt động và ảnh hưởng nhất trên toàn cầu. Tương tác với nhóm người tiêu dùng này sẽ giúp các thương hiệu tiếp cận và ảnh hưởng đến những người tiêu dùng kết nối trên diện rộng.
Không chỉ tin vào “Người dẫn dắt”, hành trình mua sắm của người tiêu dùng hiện cũng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, chuyển từ trực tuyến sang ngoại tuyến liên tục, qua nhiều nguồn trong suốt quá trình mua hàng. Người tiêu dùng hiện nay thường kiểm tra và tham khảo thông tin sản phẩm từ 4 nguồn khác nhau trước khi quyết định mua hàng.
Vai trò của mạng xã hội trong quá trình mua hàng của người tiêu dùng, theo Tetra Pak Index 2017. |
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang có hơn 1,5 tỷ người sử dụng mạng xã hội hàng tháng, 95% truy cập bằng thiết bị di động, chiếm tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Vì thế, để chinh phục người tiêu dùng được kết nối này, đòi hỏi các thương hiệu cần có những hoạt động tương tác thoát khỏi các quy luật truyền thống thông thường.
“Khi thế hệ Millennials (từ 20 – 37 tuổi) và thế hệ Z đến tuổi trưởng thành, các thương hiệu cần phải cân nhắc về các chiến lược nhằm lôi kéo nhóm người tiêu dùng tiếp theo. Những khoảng thời gian quan tâm của họ sẽ ngắn hơn, khi đã lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, nơi điện thoại thông minh và mua sắm trực tuyến là chuẩn mực. Các thương hiệu muốn liên kết với người tiêu dùng kết nối cần hiểu rõ điều gì thúc đẩy họ và làm thế nào để tạo ra một trải nghiệm thương hiệu liên tục có thể chuyển đổi cả trực tuyến và thưc tế”, Libby Costin – Phó giám đốc Tiếp thị và Quản lý Sản phẩm, Tetra Pak Nam Á, Đông Á & Châu Đại Dương khuyến nghị.
Báo cáo cũng cho biết, giống như những người tiêu dùng trong khu vực, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng được kết nối với 53% dân số sử dụng internet và 48% dân số là người dùng mạng xã hội. Họ kết nối trực tuyến gần 48 tiếng mỗi tuần trên các thiết bị khác nhau. Bên cạnh đó, thế hệ Millennials chiếm đến 35% dân số là những người rành công nghệ và có xu hướng tự tìm kiếm thông tin về sản phẩm trước khi mua hàng hơn là bị ảnh hưởng từ những nhân tố như quảng cáo hay khuyến mãi.
Cũng theo báo cáo, hành vi của những người tiêu dùng kết nối này đang chuyển dịch từ mô hình “đẩy” sang “kéo”, họ chủ động tìm kiếm thông tin và sản phẩm mà họ cần và sẵn sàng “ngó lơ” những gì mà họ cho là không liên quan. Các thương hiệu cần đầu tư nhiều hơn vào những trải nghiệm và nội dung được cá nhân hóa để tăng cường tương tác và chiếm lĩnh tình cảm của người tiêu dùng.
Ngoài ra, báo cáo còn cho thấy bao bì có vai trò quan trọng như là nơi để thu hút sự tương tác với người tiêu dùng nhiều hơn. Ví dụ, các mã số được in trên bao bì có thể cải thiện sự minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc, cho phép người tiêu dùng truy cập thông tin về xuất xứ của sản phẩm. Việc đóng gói cũng có thể được chuyển đổi thành nền tảng cho dòng thông tin hai chiều, nơi các thương hiệu có thể nắm bắt dữ liệu cụ thể, có giá trị về người tiêu dùng cũng như chia sẻ thêm thông tin về sản phẩm.
Viễn Thông
Nguồn: vnexpress.net